Thanh tra chính phủ điểm mặt sai phạm của tập đoàn TNR: Chờ cái kết có hậu

Thanh tra chính phủ kết luận hàng loạt sai phạm

TTCP mới đây đã ra kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại Hà Nội giai đoạn 2003-2016. Theo đó, các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời khỏi nội đô đều biến thành cao ốc gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Được biết, trong 38 dự án chuyển đổi có vị trí đất lợi thế kinh doanh TTCP kiểm tra, dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, văn phòng, căn hộ cao cấp và khách sạn tại số 47 Nguyễn Tuân (tên thương mại là dự án TNR Gold Season – PV), quận Thanh Xuân do Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông-VID làm chủ đầu tư được chỉ ra với hàng loạt sai phạm, thất thoát ngân sách của Nhà nước.

Theo đó, Dự án tại 47 Nguyễn Tuân do Công ty CP Bất động sản Mùa Đông-VID làm chủ đầu tư hợp tác cùng Công ty Phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam làm đơn vị quản lý và phát triển dự án.

Được biết UBND TP Hà Nội phê duyệt cho phép điều chỉnh tiến độ, chủ đầu tư phải nộp tiền chậm tiến độ trong thời gian gia hạn thực hiện dự án tương đương với số tiền thuê đất trả tiền hàng năm theo nghị định 135/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016 với số tiền 13,89 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã thực hiện nộp số tiền vào ngân sách.

Về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chủ đầu tư phải nộp là hơn 264,01 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư còn nợ 121.765,17 triệu đồng, vi phạm Khoản 3 Điều 6, Khoản 7 Điều 12, Khoản 3 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thanh tra, ngày 12/9/2017 chủ đầu tư đã thực hiện nộp số tiền trên vào ngân sách.

Dự án Gold Season 47 Nguyễn Tuân, có diện tích sử dụng đất 22.602 m2; tổng mức đầu tư 2.898 tỷ đồng; quy mô gồm 4 toà nhà cao từ 27 – 35 tầng.

Đáng nói, ngoài số tiền phải thực hiện do chậm tiến độ, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ việc hoạt động chuyển nhượng góp vốn của chủ đầu tư dự án Gold Season (47 Nguyễn Tuân).

TTCP cũng kết luận, Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông chuyển nhượng phần vốn góp bằng lợi thế quyền sử dụng đất (45,832% vốn điều lệ) với giá trị 114,58 tỷ đồng nhưng không kê khai, cơ quan thuế chưa tiến hành thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Đoàn thanh tra tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là hơn 22, 970 tỷ đồng

Ngoài ra, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án Gold Season cũng có nhiều sai phạm. Cụ thể, UBND TP Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất dự án tại Quyết định số 1704/QĐ-UBND ngày 13/3/2017, đã không loại khoản thu nhập chịu thuế tính trước 5,5% trong suất đầu tư, và đưa khoản chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng công trình (1%) chi phí xây dựng vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá trị tiền sử dụng đất không đúng quy định tại Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với những sai phạm tại dự án Gold Season, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, Sở Tài Nguyên Môi trường, Cục Thuế Hà Nội, Chủ đầu tư dự án và Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội xử lý nghiêm những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.

Theo đó, Phó Thủ tướng cơ bản đồng ý kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận 1468/KL-TTCP ngày 4/9/2018 và Báo cáo số 08/BC-TTCP ngày 12/1/2021. UBND TP Hà Nội và các cơ quan, tổ chức thực hiện các kiến nghị tại các văn bản nêu trên của Thanh tra Chính phủ.

Hiện chủ đầu tư đã tiến hành bàn giao căn hộ cho khách hàng. Tuy nhiên việc chủ đầu tư không thực hiện đúng theo quy định hợp đồng mua bán, quảng cáo khi đưa công trình vào sử dụng trong khi chưa đủ điều kiện theo quy định khiến khách hàng bức xúc, phản ánh.

Theo quyết định về việc thành lập tổ công lập liên ngành rà soát một số vụ việc khiếu nại tố cáo tại Hà Nam do Phó Tổng thanh tra Bùi Ngọc Lam ký, tổ công tác có 9 thành viên trong đó ông Vũ Văn Hùng, Thanh tra viên cao cấp, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ 1, Cục I, TTCP làm tổ trưởng.

Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ làm việc với UBND tỉnh Hà Nam, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân có liên quan và các Bộ, ngành (khi cần thiết) để rà soát 4 vụ việc. trong đó có vụ tranh chấp đất đai liên quan đến dự án khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn (tên thương mại là TNR Đồng Văn), thị xã Duy Tiên.

Tháng 1/2016, tỉnh Hà Nam đã lập đoàn thanh tra liên ngành, ban hành kết luận thanh tra số 112.

Tháng 7/2018, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ tại Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hà Nam vào năm 2007.

Tháng 5/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Hà Nam có quyết định về việc tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra năm 2007 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam.

Ngoài ra dự án còn có đơn kiến nghị của nhiều khách hàng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án. Theo thoả thuận trong hợp đồng các khách hàng phải thanh toán 95% số tiền giá trị lô đất, còn công ty có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tuy nhiên, hơn 2 năm sau khi các khách hàng thực hiện việc thanh toán nghĩa vụ tài chính được công ty bàn giao đất thực địa nhưng chưa được cấp sổ đỏ.

Tại thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng tại buổi tiếp và đối thoại với khách hàng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án TNR Star Đồng Văn vào tháng 1/2021, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam cũng chỉ rõ dự án kéo dài, chậm tiến độ. UBND huyện Duy Tiên (nay là thị xã Duy Tiên) đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Công ty CP phát triển Hà Nam không thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án cho người dân tự xây dựng nhà ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nhưng công ty vẫn không chấp hành dẫn đến tranh chấp pháp lý, làm phát sinh phức tạp.

Bức xúc vì chủ đầu tư bội tín khách hàng đã nhiều lần căng băng rôn với nội dung: “Công ty CP Phát triển Hà Nam lừa đảo khách hàng tại dự án đất nền TNR Đồng Văn – Hà Nam”; “Yêu cầu Tập đoàn TNR dự án Đồng Văn – Công ty Phát triển Hà Nội thực hiện đúng hợp đồng cam kết cho khách hàng, không được lừa đảo khách hàng”… Thời gian qua, khách hàng cũng nhiều lần tập trung tại trụ sở Tập đoàn TNG Holdings Vietnam ở đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) đòi quyền lợi.

Bà chủ quyền lực TNR là ai?

“Bông hồng vàng” nghị trường một thời – bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đã bị xóa tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV vì vi phạm Luật Quốc tịch Nhà nước CHXHCN Việt Nam sau bê bối nhập quốc tịch Cộng hòa Malta vào năm 2016. Tai tiếng này đã đặt dấu chấm hết con đường chính trị tưởng như vững chắc hàng chục năm của cựu Đại biểu Quốc hội, tạm gác lại chuyến du học trời tây của con trai bà, kéo theo biến cố chao đảo hoạt động kinh doanh…

Dư luận thời điểm ấy cũng xôn xao về những phi vụ làm ăn đình đám của bà Nguyệt Hường khi còn làm Đại biểu Quốc hội, với sự phát triển bành trướng của Tập đoàn VID Group (nay là Tập đoàn TNG) mà bà làm Chủ tịch, cùng hệ sinh thái hàng chục công ty kinh doanh ở nhiều lĩnh vực gồm khu công nghiệp, bất động sản, phát triển dự án, quản lý tòa nhà, bán lẻ…

Bà nghị Nguyệt Hường cũng tạo dựng được uy tín làm ăn trên thương trường khi là vợ của ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Ngân hàng MaritimeBank (tên mới là MSB), được ví như “một cặp trời sinh” nổi tiếng kinh doanh thành công, trở thành những tỉ phú đô la của Việt Nam.

Trong 20 năm qua, nhóm công ty thuộc VID Group dưới thời bà nghị Nguyệt Hường đã phát triển với tốc độ “thần tốc” về quy mô, số lượng, tạo nguồn thu khổng lồ, nhất là ở lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khai thác các khu công nghiệp lớn.

Theo thông tin công bố, TNG Group liên tục thu gom, thâu tóm quỹ đất đai rất lớn để phát triển các khu công nghiệp tại các địa phương, như Hà Nội (534ha), Hà Nam (263ha), Hải Dương (390ha), Hưng Yên (370ha)… Kèm theo một số dự án KCN, tập đoàn này cũng “xin” thêm được 76ha để làm khu dân cư, dịch vụ cho công nhân KCN ở Hải Dương, Hà Nam để kinh doanh, thu hồi vốn nhanh.

Tuy nhiên, các khu công nghiệp của TNG Group liên tục dính lùm xùm tố cáo là “tội đồ” gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước do tình trạng xả thải vi phạm của nhiều doanh nghiệp tại đây. Điển hình như KCN Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) trong hơn chục năm qua đã xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây hệ lụy nghiêm trọng…

Kết quả kiểm tra quan trắc toàn diện môi trường tại KCN Quang Minh của Sở TN&MT, Cảnh sát môi trường và công an Hà Nội vào năm 2010, đã phát hiện 62/75 doanh nghiệp vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, bị xử phạt hành chính hàng tỉ đồng. Thậm chí, trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Quang Minh không hoạt động, nước thải đen bốc mùi hôi thối được xả thẳng ra môi trường.

Những vi phạm gây ô nhiễm môi trường từ các KCN của TNG Group vẫn chưa có xử lý, khắc phục thỏa đáng, dù đã và đang đe dọa trực tiếp sức khỏe, cuộc sống của hàng chục nghìn người dân các địa phương đã lỡ chấp nhận “đánh đổi” môi trường để đạt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh chóng.

Đã đến lúc cơ quan chức năng không chỉ dừng lại ở việc thanh tra nêu sai phạm mà cần chuyển cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ tính chất mức độ của các dự án sai phạm.