TP.HCM kiến nghị sớm thực hiện ga Bình Triệu đã “treo” 20 năm

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có công văn gửi Bộ GTVT kiến nghị đẩy nhanh dự án ga đường sắt Bình Triệu và ga Thủ Thiêm tại TP.HCM.

ghj
Người dân phải sống trong các căn nhà tạm bợ ở khu quy hoạch treo ga Bình Triệu 

Theo Sở GTVT TP.HCM, vào tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có ga Bình Triệu và ga Thủ Thiêm được xác định là ga đầu mối hành khách, kết nối đến các sân bay trong khu vực. 

Đối với dự án ga Bình Triệu tại phường Hiệp Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức đã được duyệt quy hoạch từ năm 2002 với diện tích 41 ha. Sau 20 năm quy hoạch, dự án vẫn bất động khiến cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân với hơn 15.000 nhân khẩu rơi vào tình cảnh khốn khổ vì không được xây nhà ở.

Sau nhiều năm quy hoạch “treo” vào tháng 3/2021, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, sẽ nghiên cứu kế hoạch triển khai thực hiện bồi thường, tái định cư đối với các tổ chức, cá nhân nằm trong ranh quy hoạch ga Bình Triệu trong giai đoạn 2021 – 2025 để sớm ổn định đời sống của người dân.

Đồng thời, xúc tiến kế hoạch đầu tư triển khai xây dựng ga Bình Triệu theo quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay thời điểm triển khai chưa được ấn định nên dự án cũng chưa biết khi nào thực hiện. Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án ga Bình Triệu.

Đối với ga Thủ Thiêm, dự án được Chính phủ phê duyệt từ năm 2013, song đến nay, dự án cũng chưa được triển khai. Hiện tại, TP.HCM đã cập nhật phạm vi nhà ga Thủ Thiêm vào đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.

Theo Sở GTVT TP.HCM, dự án ga Thủ Thiêm đang thực hiện rất chậm và mới ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nên chưa đủ cơ sở để tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500.

Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT sớm lập quy hoạch chi tiết 1/500 đối với ga Thủ Thiêm theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.