Ảnh minh họa. |
Chọn lọc cấp phép đầu tư
Theo số liệu từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), trong 2 tháng đầu năm, vốn FDI đầu tư vào Đồng Nai đạt 281 triệu USD, với 8 dự án được cấp mới (trong đó, đáng chú ý có một dự án đầu tư 12 triệu USD của Singapore; một dự án đầu tư 10,1 triệu USD của Thụy Sĩ…) và 14 dự án tăng vốn (trong đó có 2 dự án của Nhật Bản tăng 100 triệu USD; 4 dự án của Hàn Quốc tăng 65,42 triệu USD; 3 dự án của Đài Loan tăng 38,15 triệu USD…).
Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban phụ trách DIZA cho biết, các dự án FDI cấp mới trong 2 tháng đầu năm có vốn đầu tư không quá lớn, nhưng đều sử dụng công nghệ tiên tiến thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Điều này đáp ứng được tiêu chí đảm bảo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai là hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Bên cạnh đó, một thông tin đáng chú ý trong hai tháng đầu năm 2023 là việc UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trung tâm Kho vận thông minh Cainiao Đồng Nai tại Khu công nghiệp (KCN) Giang Điền (huyện Trảng Bom).
Dự án do Cainiao Network, công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics thuộc Tập đoàn Alibaba triển khai đầu tư trên diện tích 16,8 ha. Trung tâm Kho vận thông minh Cainiao Đồng Nai được đầu tư theo hướng hiện đại, bền vững, khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu lưu trữ hàng hóa của các doanh nghiệp trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và nhu cầu kho vận ngày một tăng cao.
Kỳ vọng hút vốn ngoại nhờ hạ tầng
Trong 2 năm qua, vốn FDI vào Đồng Nai có xu hướng giảm và lần đầu tiên trong vòng 30 năm trở lại đây, Đồng Nai rời khỏi nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Ông Phạm Văn Cường lý giải, nguyên nhân của tình trạng này là do tỉnh thiếu quỹ đất công nghiệp. “Vừa qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu muốn triển khai các dự án lớn tại Đồng Nai, nhưng tỉnh lại thiếu quỹ đất đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó, các khu công nghiệp mới đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng”, ông Cường nói.
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, hiện nay, các doanh nghiệp FDI rất quan tâm đến các dự án bất động sản, logistics, thương mại dịch vụ, năng lượng tái tạo tại Đồng Nai. Nhiều doanh nghiệp FDI đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn, chỉ đợi những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ là sẽ triển khai dự án. Ví dụ, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đang chờ giải quyết thủ tục đất đai để đầu tư 4 dự án tại huyện Long Thành; Tập đoàn Shire Oak International (Anh) muốn đầu tư dự án năng lượng tái tạo; Tập đoàn LG (Hàn Quốc) quan tâm các dự án thành phố thông minh.
Ông Jang Bok Sang, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc cho biết, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có dự án đang hoạt động tại Đồng Nai có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy và đầu tư dự án mới tại đây. Họ muốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, logistics, thương mại dịch vụ. Nếu tỉnh Đồng Nai có đủ quỹ đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thì sẽ đón được dòng vốn lớn của Hàn Quốc.
Hiểu được mong muốn của nhà đầu tư, tỉnh Đồng Nai đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để xây dựng các KCN mới, đồng thời phối hợp với các tỉnh lân cận để xây dựng tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Đặc biệt, Dự án sân bay quốc tế Long Thành được triển khai đang tạo sức hút lớn cho tỉnh.
Theo kế hoạch đã được công bố, năm 2025, sân bay quốc tế Long Thành; cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây; cao tốc Bến Lức – Long Thành; đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ được đưa vào khai thác, cộng với các KCN mới hoàn thành đầu tư hạ tầng, Đồng Nai sẽ có rất nhiều lợi thế để thu hút FDI.
Khi “nút thắt” về hạ tầng được tháo gỡ, dòng vốn FDI vào Đồng Nai chắc chắn sẽ có những bước đột phá, giúp địa phương lấy lại vị thế top đầu về thu hút FDI.