1.808 tỷ đồng ở Lim Tower II và cách dòng tiền VietBank ‘nuôi dưỡng’ hệ sinh thái Hoa Lâm

Những khoản vay kín tiếng

Như Người Đưa Tin đã đề cập trong kỳ trước, HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) ngày 31/8/2022 có Nghị quyết về việc đồng ý cấp tín dụng cho Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La với số tiền 122,469 tỷ đồng. Mục đích là để thanh lý hợp đồng đặt cọc với CTCP Đầu tư Sản xuất Thương mại Mai Anh về việc đặt cọc mua phần vốn góp của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La trong Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City.

Cùng trong ngày 31/8, HĐQT VietBank đã có Nghị quyết chấp thuận giao dịch cấp tín dụng 150 tỷ đồng giữa VietBank với Công ty TNHH VNS Sài Gòn, mục đích để thanh toán tiền mua các bất động sản và thanh toán tiền mượn bên thứ ba để mua các bất động sản khác tại xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, Tp.HCM.

Cũng như Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La, Công ty TNHH VNS Sài Gòn là thành viên Tập đoàn Hoa Lâm. Thành viên HĐTV VNS Sài Gòn, bà Dương Mai Anh là con gái của vợ chồng doanh nhân Trần Thị Lâm – Dương Ngọc Hòa, và là em gái ông Dương Nhất Nguyên – Chủ tịch HĐQT VietBank.

Tập đoàn Hoa Lâm có lịch sử từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khởi đầu từ lĩnh vực nhập khẩu, lắp ráp xe máy. Tới năm 2006, Hoa Lâm chính thức đầu tư vào VietBank, và từ đó tới nay được biết đến với vai trò chi phối tại nhà băng này, cho dù trong trong chặng đường phát triển của VietBank từng có dấu ấn của đại gia ngân hàng một thời – bầu Kiên “ACB”.

Quá trình phát triển 3 thập kỷ qua của Hoa Lâm Group gắn liền với dòng vốn dồi dào từ VietBank.

Tuy vậy, Điều 140 Luật Các tổ chức tín dụng quy định ngân hàng không được chi quá 50% vốn điều lệ đầu tư vào tài sản cố định. Trong khi đó, khoản đặt cọc 1.808 tỷ đồng để mua toà Lim II, nếu cộng với tài sản cố định, thì có số dư đã lên tới hơn 2.600 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2022, xấp xỉ 55% vốn điều lệ của VietBank.

Nói cách khác, dựa vào hợp đồng đặt cọc mua tòa nhà Lim II, hơn 1.800 tỷ đồng của VietBank đã “chảy sang” Lương Thạch – pháp nhân có liên hệ mật thiết tới Hoa Lâm mà không phải dưới hình thức khoản vay, không cần tài sản bảo đảm, không cần phương án sử dụng vốn và lãi suất chỉ chỉ 9%/ năm với khoản 1.100 tỷ đồng và 10%/ năm với khoản 708 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính VietBank năm 2018 cũng thể hiện nhà băng này đã chi ra 1.250 tỷ đồng đặt cọc mua bất động sản, có nhận lãi suất, tuy nhiên đã thu hồi vào đầu năm 2020. Đây cũng là khoảng thời gian trùng với giai đoạn VietBank đưa ra kế hoạch mua toà Lim II ban đầu.

Tính minh bạch của khoản đặt cọc tương đương hơn 38% vốn điều lệ của VietBank tại Lương Thạch càng là một vấn đề đáng bàn, nếu biết rằng trên website của VietBank, trong khi tất cả các tờ trình khác tại các Đại hội đồng cổ đông thường niên 3 năm 2020-2022 đều được công khai, thì duy nhất tờ trình đầu tư mua toà nhà Lim II và tiến độ mua bất động sản này không thể truy cập được.

Trở lại với Nghị quyết HĐQT VietBank ngày 31/8 vừa qua về việc cấp tín dụng 150 tỷ đồng cho Công ty TNHH VNS Sài Gòn. Chi tiết cần nhấn mạnh là khoản vay này đã phát sinh từ ngày 6/9/2019, tuy nhiên tới gần 3 năm sau, HĐQT VietBank mới có Nghị quyết chấp thuận giao dịch.

Theo Điều lệ VietBank, đây là khoản vay bắt buộc phải có Nghị quyết HĐQT thông qua, bởi là giao dịch với người có liên quan. Thêm một câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu khoản vay tương tự tại VietBank chưa có Nghị quyết HĐQT; cũng như còn bao nhiêu khoản vay với các thành viên khác của Hoa Lâm, mà không thuộc diện giao dịch với người có liên quan?