Bài 2: Mối quan hệ “nhằng nhịt” giữa Liên Việt – Him Lam – Sacombank

Việc các ngân hàng trở thành sân sau của các doanh nghiệp BĐS đã được rất nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo.

Song hành như hình với bóng

Về đại diện pháp luật hay pháp nhân hoạt động, Ngân hàng Liên Việt, Sacombank, Him Lam luôn riêng rẽ. Hiện tại, người sáng lập Ngân hàng Liên Việt, Him Lam, doanh nhân Dương Công Minh chỉ còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT tại Sacombank. Tuy nhiên, phía sau đó, bộ ba này luôn có sự gắn bó mật thiết, đối tác tín dụng quen thuộc trong nhiều năm.

Dự án Khu đô thị Sài Gòn - Bình An.
Dự án Khu đô thị Sài Gòn – Bình An.

Nhiều năm qua, LienvietPostbank và Sacombank là những đối tác tín dụng quen thuộc với dòng vốn đã và đang chảy xuyên suốt các dự án lớn nhỏ của tập đoàn Him Lam. Có thể nói, 2 ngân hàng này chính là nguồn tài chính hậu thuẫn cho tập đoàn Him Lam tung hoành ở các dự án BĐS.

Cuối năm ngoái, UBND TP.HCM có văn bản hủy bỏ chủ trương thu hồi đất để đầu tư dự án khu nhà ở cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an tại phường Cát Lái, quận 2.

Được biết, đây là dự án nhà ở xã hội do Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) làm chủ đầu tư.

Mặt khác, UBND TP. HCM cũng phát đi thông báo về việc Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan vừa ký văn bản giao UBND Q.7 chỉ đạo UBND phường Tân Hưng, quận 7 xử lý vi phạm đối với các công trình tại dự án khu nhà ở Him Lam Tân Hưng.

Ngoài ra, dự án khu nhà ở Him Lam Tân Hưng do Công ty CP Him Lam (Him Lam Corp) làm chủ đầu tư vi phạm với các công trình sai phép và không phù hợp với đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Dự án này do LienVietPostBank hỗ trợ tài chính.

Ngoài ra, mối liên kết tài chính giữa LienVietPostBank và Him Lam cũng thể hiện ở một loạt dự án BĐS đình đám khác.

Điển hình là dự án Him Lam River Side do Him Lam Corp làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.563 tỷ đồng, có diện tích 1.317 ha. Hay như dự án Him Lam Green Park do Him Lam Land làm chủ đầu tư rộng khoảng 2,68ha.

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu có quy mô 49,7 ha do Him Lam Corp làm chủ đầu tư. Dự án Him Lam Phú An do Him Lam Land làm chủ đầu tư có diện tích 1,8 ha, tổng vốn đầu tư 1.770 tỷ đồng…

Tất cả dự án kể trên do Him Lam thực hiện đều do LienVietPostBank hỗ trợ tài chính.

Ngoài ra, một số tài sản của tập đoàn Him Lam cũng đang được cầm cố tại nhiều chi nhánh của LienVietPostBank như sàn thương mại thuộc Khu nhà ở chung cư cao tầng Him Lam Chợ Lớn, phường 11, quận 6; sàn thương mại thuộc Chung cư cao tầng lô A3, Khu dân cư Him Lam, Phường Tân Hưng, Quận 7 (TP.HCM),…

Gần đây, trên thị trường có nghi vấn Sacombank chuyển khoản nợ “khủng” sang LienVietPostBank với dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI) làm chủ đầu tư, có quy mô 117 ha nằm tại Quận 2, TP.HCM.

Đại gia Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Đại gia Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Sau thời điểm nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT tại Sacombank, đại gia Dương Công Minh đã khẳng định, tái cơ cấu thành công ngân hàng này. Tuy nhiên, đến nay, việc tái cơ cấu thành công nổi trội nhất có lẽ là “bắn” khoản nợ 20 nghìn tỷ đồng Sacombank sang LienVietPostBank?

Cụ thể, Dự án Khu đô thị Sài Gòn – Bình An từng có đến ba cái tên khác nhau, có quy mô diện tích lên tới 1.174.221m2 (hơn 117ha) tại phường An Phú, Quận 2, TP HCM; Dự án có vị trí phía Đông giáp đường Đỗ Xuân Hợp, phía Tây giáp Dự án Sài Gòn Sports City, phía Bắc giáp sông Rạch Chiếc, phía Nam giáp đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Theo đó, sau những đồn đoán thì giờ đây khối khối tài sản thế chấp có giá trị gần 20 nghìn tỷ đồng là Dự án Khu đô thị Sài Gòn – Bình An (nay gọi là Khu đô thị Him Lam Bình An) của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI), “nằm yên vị” tại Ngân hàng Sacombank từ năm 2016 đã “lăn bánh chạy sang” Ngân hàng LienVietPostBank từ tháng 9/2019… Phía sau việc “chuyển nợ” này là gì thì ai cũng thấy đó là “miếng mồi béo bở” – Dự án Khu đô thị Sài Gòn – Bình An có diện tích hơn 117ha tọa lạc tại phường An Phú, Quận 2, TP.HCM.

Tuy nhiên, sau nhiều năm Ngân hàng Sacombank “ôm” khoản nợ gần 20.000 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là Dự án Khu đô thị Sài Gòn – Bình An (diện tích hơn 117ha). Từ tháng 9/2019 – tháng 8/2020, Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI) đã âm thầm thay đổi các nội dung liên quan đến các giao dịch đảm bảo trên.

Theo đó, đơn vị nhận cầm cố Dự án Khu đô thị Sài Gòn – Bình An đã được thay đổi sang Ngân hàng LienVietPostBank…Năm 2016, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI) đã mang Dự án Khu đô thị Sài Gòn – Bình An đi thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với giá trị tài sản đảm bảo lên đến gần 20.000 tỷ đồng.

Sau đó, một loạt hợp đồng thế chấp được SDI thực hiện với Sacombank thông qua 08 Chi nhánh của Sacombank (Chi Nhánh Trung Tâm, Chi nhánh Sài Gòn, Chi nhánh Bến Thành, Chi nhánh Gò Vấp, Chi nhánh Quận 12, Chi nhánh Chợ Lớn, Chi nhánh Củ Chi và Chi nhánh Quận 8) và đây cũng là thời điểm mà Sacombank đang phải “gồng mình” xử lý sau khủng hoảng “Trầm Bê”…

Vậy phía sau của việc âm thầm đổi chủ nợ này là gì, mối quan hệ “tay ba” lắt léo giữa Tập đoàn Him Lam – Sacombank và LienVietPostBank là như thế nào?

Tại sao Sacombank chấp nhận “chôn vốn” hàng chục nghìn tỷ đồng tại Dự án Khu đô thị Sài Gòn – Bình An trong nhiều năm để rồi khi Dự án Khu đô thị Sài Gòn – Bình An được khởi động trở lại với cái tên Dự án Khu đô thị Him Lam Bình An thì “miếng ngon” này lại về tay Ngân hàng LienVietPostBank? Ông chủ thực sự của Dự án Khu đô thị Sài Gòn – Bình An với tên mới là Dự án Khu đô thị Him Lam Bình An là ai?

Điều này, chắc hẳn chỉ những “người trong cuộc” mới nắm được.

Những cảnh báo về sở hữu chéo

Mặc dù, trên danh nghĩa, ông Dương Công Minh không còn liên quan tới tập đoàn Him Lam. Tuy nhiên, những người thân cận, ruột thịt của ông vẫn có mối lợi ích chặt chẽ tại đây.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục có động thái yêu cầu các ngân hàng siết chặt dòng tín dụng đổ vào BĐS.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục có động thái yêu cầu các ngân hàng siết chặt dòng tín dụng đổ vào BĐS.

Cụ thể, bà Dương Thị Liên (em gái của ông Dương Công Minh) đang là Thành viên HĐQT của Him Lam Corp với 36,6% cổ phần. Ông Dương Công Hùng là tổng giám đốc và ông Dương Công Thuyền là phó tổng giám đốc của Him Lam Corp. Ông Trần Văn Tĩnh (anh họ ông Dương Công Minh) hiện là chủ tịch HĐQT Him Lam Land và Him Lam Corp.

Ngoài ra, còn có ông Dương Công Đoàn hiện là thành viên HĐQT của Him Lam Land (người nắm giữ 80% cổ phần). Đáng lưu ý, ông Dương Công Đoàn là anh trai ông Dương Công Toàn (quê Bắc Ninh), người được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cuối tháng 4/2019.

Ông Dương Công Minh sinh ngày 10/05/1961, tại Bắc Ninh. Quê quán ông ở tại Quế Võ, Bắc Ninh. Với vị trí Chủ tịch, ông hiện tại đang nắm trong tay số lượng 62,569,075 cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank tính đến ngày 30/06/2020. Số cổ phiếu này có giá trị lên tới 1,526.7 tỷ VNĐ ở thời điểm cập nhật giá ngày 06/05/2021. Ngoài ra, ông cũng sở hữu 31,300,000 cổ phiếu của CTCP Liên Việt Holdings.

Theo Luật sư Lê Cao, Công ty Luật hợp doanh FDVN nhận định, về mặt danh nghĩa, tình trạng sở hữu chéo giảm đi nhiều, nhưng gần đây doanh nghiệp bất động sản gia tăng đầu tư cổ phần vào nhà băng. Đồng thời, vị trí chủ chốt ở một số ngân hàng “kết nạp” thêm lãnh đạo của công ty bất động sản.

Từ những nguyên nhân đó, tình trạng sở hữu chéo ngân hàng đã tạo nên một bối cảnh quản trị, đầu tư, sở hữu cổ phần ngân hàng chằng chịt các mối quan hệ, trong đó sở hữu chéo là vấn đề phức tạp và hệ lụy của nó trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra những sai phạm hàng loạt ở các ngân hàng trong một thời gian dài và phải mất hàng chục năm mới kiểm soát được.

Các vụ án liên quan đến sai phạm trong cấp tín dụng, sai phạm quy chế cho vay, sai phạm do quản trị dẫn đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản đình đám liên quan đến nhiều ngân hàng trong giai đoạn này một phần do sự lũng đoạn của sở hữu chéo không được kiểm soát bằng pháp luật khi chưa có các quy định đủ sức mạnh để can thiệp, giới hạn vấn đề sở hữu chéo.

“Thực tiễn cho thấy, dù nói chuyện vượt giới hạn sở hữu chéo đã được xử lý, nhưng hiện tượng nhiều đại gia bất động sản sở hữu cổ phần tại các ngân hàng và bẻ lái tín dụng sang phục vụ các hoạt động kinh doanh bất động sản chẳng hạn, nếu không được kiểm soát sẽ dẫn dắt hoạt động ngân hàng phục vụ cho mục đích không minh bạch sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy”, Luật sư Lê Cao phân tích.

Cuối tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng bất động sản. Bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, với những mối liên kết nhập nhằng kiểu “người một nhà” như bộ ba Him Lam – Sacombank và LienVietPostBank, liệu sự giám sát, cảnh báo từ phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước có đủ sức nặng?