Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút các dòng vốn đầu tư mới

Quang cảnh Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”. (Ảnh: Chí Cường)

Ngày 15/5/2023,  Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” đã thu hút sự quan tâm và tham dự đông đảo của các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các cơ quan quản lý, đại diện các tổ chức và hiệp hội quốc tế, cùng các doanh nhân, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. 

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Với việc tham gia 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời nắm bắt cơ hội, cũng như phát huy ngoại lực, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tạo động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

 Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư

Dẫn đề cho Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh nhận định: “Ngày hôm nay, Báo Đầu tư – cơ quan báo chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo này nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, các nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp phân tích, đánh giá về hiệu quả nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong suốt chặng đường vừa qua, những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài, cùng những xu hướng và cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới”.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận chủ đề “Cùng nhau phát triển”.

Hội thảo cũng tạo cầu nối gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và đóng góp những kinh nghiệm thiết thực giữa lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, cùng đại diện các hiệp hội và các doanh nhân, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trên mọi lĩnh vực từ khía cạnh vốn đầu tư, nguồn lực tài chính, cho tới các lĩnh vực sản phẩm hàng hóa, xuất khẩu, thị trường, công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp, lao động, lan tỏa chuỗi giá trị toàn cầu… 

Với chủ đề xuyên suốt “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, bên cạnh các bài tham luận từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài như Samsung Việt Nam, Aeon Việt Nam, Ngân hàng UOB, VPBank, Hội thảo có hai phiên thảo luận chính với chủ đề: “Cùng nhau phát triển” và “Thúc đẩy dòng vốn mới”, đã diễn ra sôi nổi với sự trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa các đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế và các doanh nhân trong nước và nước ngoài. 

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Việt Nam và Samsung đã viết nên một câu chuyện thành công đáng nhớ về việc đôi bên cùng thắng.

“Nhiều nhà lãnh đạo phải thốt lên rằng: ‘Thành công của Samsung là thành công của Việt Nam’”, ông Choi Joo Ho nói.

Theo ông Choi Joo Ho, giờ đây các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên toàn thế giới đang nghiêm túc dõi theo Việt Nam – một cứ điểm trọng tâm của điện thoại di động, để tìm hiểu những biến đổi chính sách công nghiệp của Việt Nam.

Trong khi đó, ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giám đốc Điều hành, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc AeonN Việt Nam cho biết, AEON đã nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 2009 trước khi khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên vào năm 2014. Môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng đôi lúc có sự thay đổi, nhưng nhìn chung, tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức.

Ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giám đốc Điều hành, Tập đoàn AEON (Nhật Bản)

Ông Furusawa Yasuyuki tin rằng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn đầu tư vào Việt Nam, bởi ở đây có nhiều yếu tố thu hút đầu tư. Với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác, cũng như Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ ngoại giao rất tốt và lịch sử hợp tác lâu dài trong nhiều lĩnh vực khác. “Với những kinh nghiệm và bí quyết mà AEON đã có được ở Nhật Bản, chúng tôi có thể áp dụng và đóng góp vào sự phát triển của thị trường Việt Nam”, ông Furusawa Yasuyuki khẳng định.

Nhìn lại 11 năm qua, AEON đã đạt được những kỳ vọng cho giai đoạn phát triển đầu tiên tại Việt Nam. Tập đoàn AEON đầu tư vào nhiều thị trường nước ngoài, nhưng để mở rộng đến quy mô hiện có chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng lớn nhất.

Từ năm 2017 đến năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của AEON đến Nhật Bản và các quốc gia khác đạt hơn 2 tỷ USD. Ngoài các mặt hàng nông sản, thực phẩm, AEON cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm thời trang, gia dụng, và sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp được sản xuất tại Việt Nam đến Nhật Bản và các nước khác.

“Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư và chúng tôi mong muốn các thủ tục liên quan có thể được đơn giản hóa hơn. Mục tiêu lớn nhất AEON vẫn đang nỗ lực thực hiện là trở thành thương hiệu quen thuộc với người Việt, một doanh nghiệp Việt Nam phục vụ Người Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, ông Furusawa Yasuyuki nhấn mạnh.

Ông Kim Lê Huy, Phó Chủ tịch, Ngành Hàng tiêu dùng, DKSH Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, ông Kim Lê Huy, Phó Chủ tịch, Ngành Hàng tiêu dùng, DKSH Việt Nam cho biết, với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp, DKSH tận dụng kinh nghiệm toàn cầu kết hợp với kiến thức chuyên sâu về thị trường địa phương để mang lại thành công thông qua quan hệ hợp tác chiến lược. 

“Sự kết hợp này đã tạo ra lợi thế cạnh tranh của chúng tôi thông qua các giải pháp toàn diện đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp tại nhiều thị trường, đặc biệt là Việt Nam”, ông Kim Lê Huy nhấn mạnh. 

Cùng với đó, DKSH cũng tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất và hạ tầng chất lượng cao với 21 địa điểm trên toàn quốc, bao gồm nhà kho, trung tâm phân phối, trạm trung chuyển, trung tâm phát triển (innovation center), phòng thí nghiệm chuyên nghiệp,… Ngoài ra, con người là một trong những tài sản quan trọng của DKSH, góp phần vào sự phát triển của công ty. DKSH không ngừng cải thiện nơi làm việc và các chính sách nhằm tạo nên nơi làm việc tốt nhất cho tất cả mọi người. 

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận chủ đề “Thúc đẩy dòng vốn mới”

“Trong vai trò là đối tác tin cậy của nhiều công ty trên toàn thế giới, DKSH đã không ngừng củng cố và mở rộng danh mục dịch vụ để mang lại sự tăng trưởng cho các công ty tại Việt Nam, châu Á và hơn thế nữa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tận dụng vị thế thị trường của mình để đóng góp vào sự phát triển bền vững của các cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động, bao gồm cả Việt Nam.

DKSH liên tục nắm bắt xu hướng chuyển đổi số để thích ứng với sự phát triển không ngừng của thị trường và đảm bảo tăng trưởng bền vững bằng các giải pháp. Hợp tác với HSBC và Payoo, chúng tôi đã triển khai mPay, một giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách cung cấp nhiều tùy chọn thanh toán trên một nền tảng duy nhất, cho phép họ thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt một cách thuận tiện. Trong tổ chức của mình, chúng tôi tiếp tục số hóa các quy trình nhằm hạn chế tối đa lượng giấy sử dụng tại văn phòng cũng như khu vực kho vận chuyển”, ông Kim Lê Huy chia sẻ.

Ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An – Hoiana Resort & Golf.

Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An – Hoiana Resort & Golf đánh giá cao môi trường dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với sự thông thoáng, cởi mở, nhiều chính sách thân thiện hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Theo ông Steven Wolstenholme, tại Quảng Nam, công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng được chú trọng và và đầu tư khá đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông.  Một trong những công trình có ý nghĩa rất quan trọng là tuyến đường bộ ven biển kết nối thông suốt từ Đà Nẵng đến Chu Lai. Công trình này đã giúp việc tiếp cận các dự án du lịch nghỉ dưỡng như Hoiana trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn, tạo tiền đề phát triển cho vùng Đông của Quảng Nam. 

“Trong đợt dịch Covid hai năm vừa qua, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất, các cơ quan chính phủ đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời như giảm giá điện, giảm tiền thuê đất, gia hạn tiến độ đầu tư,… 

Ngay khi dịch thuyên giảm, các cơ quan Chính phủ cũng đã nhanh chóng thích ứng, điều chỉnh cơ chế cũng như tổ chức nhiều hội thảo, chương trình xúc tiến để ngành du lịch có thể sớm phục hồi và hoạt động trở lại. Hoiana rất cảm kích trước sự nỗ lực và hỗ trợ của các cơ quan chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua”, ông Steven Wolstenholme bày tỏ.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Công ty Đầu tư CME Solar

Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Công ty Đầu tư CME Solar cho biết, thời gian gần đây, năng lượng điện mặt trời áp mái đã trở thành một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Với sự phát triển của công nghệ, giá thành sản xuất và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái đã giảm đáng kể. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Để đón nhận dòng vốn mới chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng mặt trời áp mái, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đa dạng hóa các dự án và nâng cao chất lượng các dự án đã có. Một trong những giải pháp đó là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, giúp đưa ra các giải pháp mới để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thúc đẩy các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư.

Vì vậy, để thu hút dòng vốn đầu tư mới và đặc biệt là các dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao Việt Nam cần có chính sách đầu tư thích hợp, hấp dẫn và môi trường kinh doanh thân thiện với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể hợp tác với các đối tác hàng đầu trong nước để có thể dễ tiếp cận thị trường, và CMES là một lựa chọn đáng lưu ý.