PNE đề nghị Bình Định gia hạn thời gian triển khai dự án điện gió 4,8 tỷ USD

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long vừa có buổi làm việc trực tuyến với Tập đoàn PNE bàn các giải pháp khởi động dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định. Tham dự buổi làm việc còn có ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam.

đề nghị gia hạn thời gian thêm 18 tháng kể từ ngày 18/10/2021.
Tập đoàn PNE đề nghị Bình Định cho phép gia hạn thời gian thêm 18 tháng kể từ ngày 18/10/2021 để thực hiện dự án điện gióa ngoài khơi tỉnh này.

Theo đó, dự án điện gió  tại hải phận 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), với tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD, xây dựng 154 – 166 tuabin gió với tổng công suất khoảng 2.000 MW.

Dự án sẽ thực hiện trong 3 giai đoạn, giai đoạn 1 thí điểm có công suất 700 MW, tổng vốn đầu tư là 1,6 tỷ USD xây dựng ở vùng biển ven bờ 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát có độ sâu từ 60m – 100m.

Theo báo cáo từ phía Tập đoàn PNE, với dự định tiến hành các bước khảo sát kỹ thuật liên quan tới dự án trong năm 2021. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài làm hạn chế việc đi lại và tổ chức triển khai hoạt động tại khu vực khảo sát, nghiên cứu nên đề nghị gia hạn thời gian thêm 18 tháng kể từ ngày 18/10/2021. 

Do đó, các giai đoạn tiếp theo sẽ bị lùi lại: Thí điểm có công suất 700 MW, dự kiến vận hành năm 2025. Giai đoạn mở rộng 1, công suất 700 MW, dự kiến vận hành năm 2026 và giai đoạn mở rộng 2, công suất 600 MW, dự kiến vận hành năm 2027.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Tập đoàn PNE mong muốn các sở, ngành, địa phương tỉnh Bình Định hỗ trợ cho tập đoàn các công việc cần thiết trong quá trình triển khai các bước tiếp theo của dự án này, và ngay khi dịch bệnh ổn định, tập đoàn sẽ cử đoàn công tác đến Bình Định để triển khai các thủ tục cần thiết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, đây là dự án năng lượng tái tạo quan trọng không chỉ ở Bình Định, mà còn với cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khai thác được lợi thế vị trí tự nhiên để phát triển năng lượng tái tạo trên biển, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển và xu thế sử dụng năng lượng sạch trên thế giới. Dự án không chiếm diện tích mặt bằng trên đất liền, đem lại nhiều lợi ích quan trọng khác.

Về kiến nghị của Tập đoàn, UBND tỉnh hoàn toàn nhất trí, đồng thời yêu cầu một khi đề án Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, trên cơ sở đó nhà đầu tư phân chia các giai đoạn đầu tư đảm bảo phù hợp với quy mô công suất theo đề án quy hoạch. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long khẳng định tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành với tập đoàn trong suốt quá trình triển khai để sớm đưa dự án vào khai thác đúng như tiến độ, ông Long cho hay.

PNE là tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực năng lượng gió của Đức với trên 25 năm kinh nghiệm. Tập đoàn đã đầu tư dự án tại một số quốc gia phát triển như Hungary, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và một số nước đang phát triển tại Mỹ Latinh, Châu Phi và Trung Đông.

Hiện Tập đoàn đã có 8 dự án ngoài khơi đã bán với tổng sản lượng điện 2.644 MW. Mô hình kinh doanh của PNE bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, cấp vốn, vận hành và bán các trang trại điện gió. Ngoài ra, các sản phẩm của PNE còn bao gồm các dự án về công nghệ quang điện, lưu trữ điện và điện hình thành từ khí hydro.