Đường đua đến T3 Tân Sơn Nhất không phải chỉ có ứng viên là ACV
Mới đây, Tổng giám đốc Vietstar Phạm Trịnh Phương vừa có văn bản cầu cứu Thủ tướng với mong muốn được tiếp tục được thực hiện Dự án nhà ga lưỡng dụng (T3 lưỡng dụng) tại Tân Sơn Nhất.
Được biết, Dự án xây mới nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và ACV triển khai từ tháng 3-2019 nhằm giải quyết tính trạng quá tải về nhà ga hành khách (vượt công suất thiết kế 1,5 lần từ năm 2017).
Dự án xây mới nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và ACV triển khai từ tháng 3-2019. |
Sau đó, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (nơi giữ quyền đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước thay Bộ GTVT tại ACV) cũng đã có văn bản gửi Chính phủ, thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT cho phép ACV được chỉ định làm chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ga T3, do có năng lực, kinh nghiệm về phát triển hạ tầng sân bay, có năng lực tài chính dồi dào.
Trên cơ sở tờ trình của các bộ, ngành liên quan cùng với hồ sơ dự án của ACV, cuối tháng 11-2019, Bộ KHĐT đã có Báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, giao cho ACV.
Hiện nay, tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về vốn, nhân lực, lên kế hoạch tổng thể, chi tiết từng hạng mục của nhà ga hành khách T3, Tân Sơn Nhất, chỉ chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là triển khai.
Đồng thời, ACV cam kết đảm bảo tiến độ sẽ đưa T3 vào hoạt động từ năm 2022, nếu được giao làm dự án từ năm 2020 (tiến độ thực hiện dự án là 37 tháng kể từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư).
Tưởng như câu chuyện về ai là chủ đầu tư của Dự án xây mới nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đã đến hồi kết thì mới đây, gửi văn bản đến Thủ tướng báo cáo tính hình triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ga Hàng không lưỡng dụng (T3 lưỡng dụng) của Vietstar tại Tân Sơn Nhất. Văn bản này cho rằng, việc Bộ KHĐT kiến nghị cho ACV làm chủ đầu tư dự án mà không xem xét đến dự án của Vietstar đã được các bộ ngành trung ương thẩm định hồi tháng 9-2016 gây hoang mang cho doanh nghiệp.
Vietstar “tố” Bộ GTVT chậm trễ trong xử lý vướng mắc
Báo cáo được gửi vào trung tuần tháng 12-2019, CTCP Vietstar Airlines (Vietstar) gửi đến Thủ tướng báo cáo tính hình triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ga Hàng không lưỡng dụng (T3 lưỡng dụng) của Vietstar tại Tân Sơn Nhất.
Báo cáo do Tổng giám đốc công ty Phạm Trịnh Phương ký, cho biết: Vị trí xây dựng nhà ga 20 triệu khách theo quy hoạch mới nhất của Bộ GTVT là khu đất 16,37 héc ta hiện là đất quốc phòng, tiếp giáp và chồng lấn với khu đất 10 héc ta mà Quân chủng Phòng không – Không quân đã bàn giao cho doanh nghệp này từ 10 năm nay. Vietstar đã và đang chuẩn bị đầu tư nhà ga T3 lưỡng dụng (dành cho dân sự và quân sự) theo quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ GTVT đã được phê duyệt từ 2015.
Tổng giám đốc Phạm Trịnh Phương cũng chia sẻ, dự án nhà ga lưỡng dụng được đơn vị bỏ nhiều tâm huyết đầu tư xây dựng trong suốt 10 năm qua. Cụ thể, từ ngày 24/3/2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có Quyết định số 882/QĐ-BQP bàn giao lô đất 10ha tại sân bay Tân Sơn Nhất cho Vietstar để làm nhà ga hàng không lưỡng dụng. Vietstar đã thuê tư vấn thiết kế tổng thể và chi tiết, lập dự án với công suất 9,8 triệu hành khách/năm.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại văn bản số 2143/BQP-TM ngày 20/7/2012, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ký Quyết định số 3193/QĐ -BGTVT ngày 7/9/2015 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trong đó có quy hoạch nhà ga Hàng không lưỡng dụng (T3 lưỡng dụng).
Đến ngày 16/7/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT có văn bản số 6856/BGTVT-KHĐT về mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và đã đề nghị “Bộ Quốc phòng sớm chấp thuận chủ trương và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách lưỡng dụng, phấn đấu khởi công trong năm 2016 – 2017“.
Chỉ 3 tháng sau, ngày 30/9/2016, Quân chủng Phòng không không quân, Bộ Quốc phòng có văn bản số 3611/BTL-CHC gửi Cục Hàng không Việt Nam đề nghị thẩm định dự án. Tổng Cục hải quan (Bộ Tài chính), Cục Công an cửa khẩu (Bộ Công an), Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), Cục hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đã thẩm định và xác nhận tổng mức đầu tư phù hợp, đồng ý với thiết kế nhà ga nói chung và các khu vực làm việc, khu vực tác nghiệp của các đơn vị.
Nhưng rất bất ngờ, 2 năm sau, ngày 31/8/2018, Bộ GTVT có quyết định số 1942/QĐ-BGTVT điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020 định hướng đến 2030 do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký, trong đó không có dự án Nhà ga hành khách lưỡng dụng.
Bức xúc về vấn đề này, Vietstar đã gửi văn bản số 149/HKLD-VP ngày 27/9/2018 và sau đó là văn bản số 19/HKLD-VP ngày 15/1/2019 báo cáo về dự án, nhưng cả 2 văn bản này đều không nhận được hồi âm từ Bộ GTVT.
Quy hoạch T3 lưỡng dụng (10 triệu khách/năm) và T3 hành khách (15 triệu khách/năm) trùng nhất với đề xuất của Tư vấn Pháp và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. |
Ông Phạm Trịnh Phương nói là doanh nghiệp của ông đã nhiều lần gửi văn bản đến Bộ GTVT từ năm 2018 nhưng không được hồi đáp. Và nếu ACV làm được dự án này thì Vietstar cũng cam kết thực hiện được dự án nếu được giao làm chủ đầu tư.
Hơn nữa, Vietstar cho rằng, dự án nếu được giao cho ACV là không trùng với đề xuất của tư vấn ADPi trước đó về dự án mà Bộ GTVT lấy làm cơ sở thông qua.
Cho đến gần đây, khi trả lời kiến nghị số 365/VSA ngày 20/12/2019 của Vietstar và văn bản số 16/PC-VPCP ngày 3/1/2020 của Văn phòng Chính phủ, lúc này Bộ GTVT mới có ý kiến “việc đầu tư nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 của Vietstar nằm trên phạm vi đất quốc phòng thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng” (văn bản số 800/BGTVT-KHĐT ngày 31/1/2020).
Rõ ràng, việc không trả lời Vietstar sau 2 năm và chỉ khi có ý kiến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT mới có văn bản trả lời doanh nghiệp. Điều này liệu có đúng với tinh thần “chính phủ kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp và người dân“? Vietstar yêu cầu cho phép họ tiếp tục thực hiện dự án quy mô 9,8 triệu khách đã được phê duyệt hồi năm 2016.
Ai là CĐT T3 Tân Sơn Nhất vẫn chưa ngã ngũ
Đến ngày 31-1-2020, Bộ GTVT đã có văn bản do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký, trả lời Vietstar rằng, quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt năm 2015 không có nhà ga hàng không lưỡng dụng và quy hoạch mới điều chỉnh năm 2018 cũng không có nhà ga lưỡng dụng như doanh nghiệp đề cập.
Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư T3 lưỡng dụng của Vietstar nằm trên phạm vi đất quốc phòng trước đây không nằm trong quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt năm 2015 nên đề nghị doanh nghiệp làm việc lại với Bộ Quốc phòng về vấn đề này.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, Quyết định 3193/2015 của Bộ GTVT về sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 25 triệu khách/năm có nêu mục tiêu: “tính chất sử dụng: sân bay dùng chung dân dụng và sân bay quân sự”, trong đó quy hoạch 28/54 vị trí đỗ tàu bay của hàng không lưỡng dụng như Vietstar đề cập. Tuy nhiên, trong quy hoạch mới nhất 2018, điều chỉnh công suất sân bay lên 50 triệu khách/năm, đã tăng số chỗ đỗ lên 106 chỗ, không đề cập đến chỗ đỗ cho hàng không lưỡng dụng.
Được biết, ngày 13-1-2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản yêu cầu Bộ KHĐT khẩn trương có ý kiến kết luận rõ ràng dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách.
Như vậy, đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa có quyết định chính thức về việc có chủ trương giao cho ACV là chủ đầu tư thực hiện dự án T3 như đề xuất của các bộ, ngành. Và cho dù dự án nhà ga T3 được đề xuất là dự án cấp bách và phải khởi công trong năm nay, thì với tình hình hiện tại, việc ai sẽ là chủ đầu tư dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có thể sẽ tiếp tục gây ra những cuộc tranh luận, trao đổi giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành lẫn các đơn vị về chiến lược phát triển hạ tầng kinh tế.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ