Sóc Trăng: Tỷ lệ giải ngân đầu tư công mới đạt 16,13%

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 435/QĐ-TTg, ngày 13/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với tỉnh Sóc Trăng về tình hình sản xuất – kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc.

Làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, cùng lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh. 

Báo cáo của tỉnh Sóc Trăng cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 giảm 13,78% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,47%;

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 4 tháng đầu năm 2023 đạt 29.253 tỷ đồng, tăng 48,61% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Sóc Trăng đến thời điểm báo cáo là 6.468.098 triệu đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao là 5.850.643 triệu đồng, đã giải ngân đạt 16,13% kế hoạch;

Kế hoạch vốn năm 2023 tỉnh giao bổ sung là 162.864 triệu đồng chưa giải ngân; kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài 454.591 triệu đồng, giải ngân đạt 4,05% kế hoạch.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hoá thực hiện đạt 450 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu thủy sản giảm 29,16%, hàng may mặc đạt 40 triệu USD (tăng 25%).

Riêng mặt hàng gạo xuất khẩu đang có nhiều lợi thế, đạt 145 triệu USD (tăng 51,04%). Giá trị nhập khẩu đạt 80 triệu USD, bằng 32% kế hoạch, tăng 27,21% so cùng kỳ.

Khó khăn, vướng mắc hiện nay của tỉnh Sóc Trăng tập trung vào các vấn đề về thủ tục đầu tư, xây dựng; các quy định pháp luật về về đất đai, đầu tư và nhà ở; một số vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Những tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu thủy sản giảm. Giá các nguyên liệu đầu vào như con giống, thức ăn và vật tư nuôi tôm bởi thời gian qua các mặt hàng này đã tăng giá rất mạnh, đẩy giá thành nuôi tôm của Việt Nam lên cao, giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

9 nhóm kiến nghị về công tác lập quy hoạch tỉnh; công tác lập quy hoạch xây dựng; hỗ trợ phát triển khu công nghiệp; thủ tục đầu tư, xây dựng; lĩnh vực bất động sản, nhà ở, nhà ở xã hội;

Gia hạn thời gian bố trí vốn; gia hạn thời gian giải ngân; huỷ vốn WB dư; cắt giảm, không đầu tư đã được tỉnh Sóc Trăng gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương… Đại diện các Bộ tại cuộc làm việc đã trao đổi, giải đáp về những nhóm kiến nghị này.

Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Sóc Trăng nhằm khắc phục khó khăn, đạt được một số kết quả khả quan trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, do hiện nay Sóc Trăng đang thực hiện nhiều dự án trọng điểm nên có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để thúc đẩy các dự án này. 

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Sóc Trăng đến hết tháng 4 đạt 16,13%, trong đó ngân sách Trung ương đạt 10,57%, ngân sách địa phương đạt 21,84% kế hoạch, Theo Bộ trưởng, tỷ lệ này chưa cao và Sóc Trăng thuộc nhóm các địa phương cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong thời gian tới. 

Với các nội dung trao đổi, giải đáp của đại diện các bộ, ngành tại cuộc làm việc, Bộ trưởng cho biết, mới là sơ bộ bước đầu, sau đây các Bộ, ngành sẽ tiếp tục có trả lời bằng văn bản đầy đủ kiến nghị của địa phương. “Tinh thần là không có kiến nghị, vướng mắc nào của địa phương là không được tập hợp, giải đáp”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Thay mặt Đoàn công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng trao đổi với địa phương những lưu ý chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thời gian gần đây. Đó là tiếp tục quán triệt đến cán bộ, công chức nội dung Công điện số 280/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Theo dõi, phân tích sát biến động tình hình thế giới, trong nước, trên cơ sở dự báo của chung cả nước để có dự báo riêng cho tỉnh; tận dụng cơ hội riêng của địa phương để phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng tổ công tác đặc biệt để chỉ đạo triển khai Nghị quyết 50 của Chính phủ. Triển khai ngay và hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Quan tâm triển khai chính sách giảm nghèo, an sinh xã hôi. Quan tâm tới thị trường lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính…

Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Chính phủ đã về làm việc và có những trao đổi nhằm gỡ khó cho tỉnh Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Văn Mẫn khẳng định Sóc Trăng sẽ cố gắng quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện quyết liệt, cao nhất các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chương trình hành động của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong những văn bản mới đây.

Đồng thời theo dõi sát tình hình để giải quyết các vướng mắc theo từng cấp thẩm quyền. Tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các dự án, cố gắng thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm lo y tế, giáo dục, thực hiện hiệu quả cải cách hành chính.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn còn giải đáp một số nội dung ngành Giáo dục Sóc Trăng quan tâm như tuyển dụng, sử dụng giáo viên; Nghị định 116 về hỗ trợ sinh hoạt cho sinh viên sư phạm; in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc…

Bộ trưởng cũng lưu ý với ngành giáo dục Sóc Trăng về một số nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong năm 2023, gồm công tác tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023;

Chuẩn bị cho năm học mới, trong đó chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở các lớp tiếp theo; chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.