Kiến nghị Thủ tướng giao ACV đầu tư Nhà ga T3, Sân bay Tân Sơn Nhất trị giá 10.990 tỷ đồng

Việc sớm triển khai Dự án nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang rất cấp bách.
Việc sớm triển khai Dự án nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bằng nguồn vốn sẵn có của ACV được kỳ vọng sẽ tạo cú hích tăng trưởng cho nền kinh tế đang chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid – 19.

Theo thông tin của Baodautu.vn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 1764 gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3).

Tại văn bản số 1764/BKHĐT – GSTĐĐT, một lần nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các cơ quan phối hợp, Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 đã được đánh giá đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật về đầu tư và Báo cáo thẩm định số 8802/BC – BKHĐT ngày 25/11/2019. Hồ sơ Dự án của ACV đã đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Với các cơ sở này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 theo khoản 6, Điều 34, Luật Đầu tư với nhà đầu tư là ACV.

Theo đó, Dự án này có mục tiêu xây dựng nhà ga hành khách quốc nội T3 công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, giảm tải cho Nhà ga T1 đang quá tải.

Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến là 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV, thời hạn hoạt động dự án là 50 năm với tiến độ xây dựng là 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao UBND Tp.HCM chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện Dự án theo ý kiến của các bộ ngành; thực hiện việc ký quỹ và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm việc giám sát quá trình huy động vốn của ACV theo tiến độ thực hiện công trình…

Bên cạnh việc tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ GTVT được kiến nghị chịu trách nhiệm việc đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư Dự án bằng nguồn vốn doanh nghiệp; phối hợp và hướng dẫn ACV trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ Dự án, đảm bảo hiệu quả đầu tư và phù hợp Đề án giao, quản lý và các văn bản pháp luật có liên quan, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đươc kiến nghị chỉ đạo, hướng dẫn ACV triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư Dự án theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo mục tiêu, tiến độ, hiệu quả đầu tư và phải chịu trách nhiệm về hiệu quả trong sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước và cho doanh nghiệp khi ACV đầu tư Dự án…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, trên cơ sở Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 được kiểm toán, ACV có đủ khả năng huy động vốn dài hạn để đầu tư tối đa khoảng 23.643 tỷ đồng, bảo đảm khả năng huy động vốn để đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3.