Hà Nội hút 1,28 tỷ USD vốn FDI; công khai 23 dự án bị thu hồi

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

 Bộ Giao thông Vận tải vượt mốc giải ngân 30.000 tỷ đồng trong 10 tháng năm 2022

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tính đến hết tháng 10/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân được khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 2.991/4.877 tỷ đồng vốn ODA, đạt 61,3% và 27.143/45.451 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 59,7% kế hoạch).

Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Nha Trang - Cam Lâm.
Thi công cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Nha Trang – Cam Lâm.

Tốc độ giải ngân hết tháng 10/2022 của Bộ GTVT vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước (Bộ Tài chính dự kiến cả nước giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 10 khoảng 51,34% kế hoạch Thủ tướng đã giao), nhưng chậm so với kế hoạch đã đề ra khoảng 655 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (66,1%).

Với kết quả giải ngân tới hết tháng 10/2022 như nêu trên, từ nay tới cuối năm 2022, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.194 tỷ đồng (chiếm 40,1%); trong đó 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 cần giải ngân khoảng 6.504,4 tỷ đồng (chủ yếu cho cho công tác GPMB); 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 cần giải ngân khoảng 3.909,8 tỷ đồng; các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.494 tỷ đồng; các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân 1.513,9 tỷ đồng (5) nhóm các dự án giao thông còn lại (5.470 tỷ đồng).

Trong đó, các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 hiện lũy kế giải ngân 11.574,9 tỷ đồng/15.484,7 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch năm; còn phải giải ngân 3.909,8 tỷ đồng. Đến thời điểm này, công tác giải ngân các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu (đạt 11.574,9 tỷ đồng/10.752,9 tỷ đồng, vượt 7,6% so với kế hoạch). Một số dự án chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân là đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết, đoạn Cam Lộ – La Sơn…

Các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 hiện lũy kế giải ngân 2.087,4 tỷ đồng/8.591,8 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm, còn phải giải ngân 6.504,4 tỷ đồng. Giá trị giải ngân các dự án chủ yếu phục vụ công tác GPMB do các địa phương thực hiện, dự kiến tập trung giải ngân trong 2 tháng cuối năm 2022 và 1 tháng đầu năm 2023. Đến thời điểm này, công tác giải ngân các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu (giải ngân đạt 2.087,4 tỷ đồng/1.792,3 tỷ đồng, vượt 56% so với yêu cầu). Một số dự án chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân là  Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, đoạn Vân Phong – Nha Trang, đoạn Cần Thơ – Hậu Giang…

Do thời hạn giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo quy định chỉ còn 3 tháng (tháng 11, 12 và tháng 1/2023), tuy nhiên khối lượng giải ngân kế hoạch còn lại rất lớn 20.194 tỷ đồng (bình quân phải giải ngân khoảng 6.731 tỷ đồng/tháng), trong khi mùa mưa bão đang đến gần, sẽ là thách thức rất lớn để hoàn thành kế hoạch.

Hà Nội chú trọng đầu tư phát triển các cụm công nghiệp

Theo Sở Công Thương Hà Nội, nhờ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, “mở cửa” nền kinh tế, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội 9 tháng năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng 8,6%  so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2021 tăng 4,1%). Tính riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,2%; khai khoáng giảm 5,7%…

Trong 9 tháng qua, phần lớn các ngành và sản lượng sản xuất đều tăng do doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh công suất hoạt động để nối lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Nhiều ngành phục hồi ấn tượng, góp phần tăng cao chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp 9 tháng như sản xuất đồ uống, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ…

Theo Sở Công Thương Hà Nội, việc phát triển các cụm công nghiệp là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp phát triển vững mạnh, sẽ tạo ra đòn bẩy phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha. Trong đó, có 1.392 ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định, thu hút gần 3.900 hộ, doanh nghiệpvào đầu tư sản xuất, kinh doanh với hơn 60.000 lao động, nộp ngân sách bình quân hằng năm khoảng 1.100 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp này rất cao, hầu hết đều đạt 100% diện tích.

Sở Công Thương Hà Nội đang đôn đốc, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ khởi công 38 cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố, gồm: 37 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018 – 2020 và Cụm công nghiệp Bình Minh – Cao Viên (huyện Thanh Oai) có quyết định thành lập trước năm 2017. Cùng với đó, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định Dự án đầu tư mới, mở rộng 21 cụm công nghiệp; họp hội đồng lựa chọn chủ đầu tư 8 cụm công nghiệp.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu thành lập thêm từ 2 đến 5 khu công nghiệp mới; đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư như: Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm; rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2).

Việc thành lập và hoàn thiện các khu công nghiệp này nhằm thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Phú Yên có 20,5 ha đất chưa cho thuê lại tại các khu công nghiệp

Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên vừa cho biết, tính đến ngày 15/10/2022, tỉnh Phú Yên có hơn 20,5 ha diện tích đất chưa cho thuê lại tại 3 khu công nghiệp (KCN) được đầu tư hạ tầng từ nguồn ngân sách nhà nước (gồm KCN Hòa Hiệp I, KCN An Phú, KCN Đông Bắc Sông Cầu – Khu vực I).

Cụ thể, KCN Hòa Hiệp I (phường Hòa Hiệp Bắc và phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa) có tổng diện tích hơn 101,5 ha thì diện tích đất chưa cho thuê lại là 10,78 ha.

Vị trí diện tích đất chưa cho thuê lại tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp I (vị trí gạch chéo).
Vị trí diện tích đất chưa cho thuê lại tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp I (vị trí gạch chéo).

Trong đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Âu Sa Vina Phú Yên (tại Quyết định số 92, ngày 13/9/2022) nhưng chưa ký hợp đồng thuê lại đất tại lô đất kí hiệu D3 với diện tích hơn 1.06 ha; có 0,65 ha đất thuộc trường hợp đang chờ xử lý tài sản gắn liền với đất đối với Nhà máy chế biến thức ăn tôm và gia súc của Công ty TNHH Asia Hawaii Ventures.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên đang kêu gọi đầu tư tại 8 lô đất kí hiệu A1 đến A8 với diện tích 9,07 ha tại KCN Hòa Hiệp I.

Đối với KCN Đông Bắc Sông Cầu – Khu vực I (xã Xuân Hải và xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu), khu công nghiệp này có diện tích hơn 104 ha, trong đó có 9,7 ha đất chưa cho thuê lại thuộc trường hợp đang chờ xử lý tài sản gắn liền đất đối với Nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu của Công ty TNHH Hòa Bình (tại các lô đất C1, C2, C3, C6, C7, C8).

Chỉ riêng KCN An Phú (xã An Phú và xã Bình Kiến, TP. Tuy Hòa) có diện tích 68,4 ha;  Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên thông tin là không còn diện tích đất chưa cho thuê lại tại đây.

Kiểm toán Nhà nước đề xuất 3 nội dung kiểm toán gói thầu cao tốc Bắc – Nam

Nếu tổ chức kiểm toán theo quy trình hiện hành sẽ không đáp ứng yêu cầu về thời gian triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025.

Đây là một trong những nội dung tại công văn số 1163/KTNN – TH vừa được Kiểm toán Nhà nước báo cáo Chủ tịch Quốc hội về việc kiểm toán các gói thầu xây lắp thuộc Dự ánxây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 trước khi chỉ định thầu.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.
Thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu.

Trong trường hợp được Quốc hội giao nhiệm vụ kiểm toán các gói thầu xây lắp thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025, Kiểm toán Nhà nước lo ngại về việc đáp ứng tiến độ như đề xuất của Chính phủ.

Để đảm bảo tính khả thi, Kiểm toán Nhà nước cho biết là sẽ tổ chức thực hiện cho ý kiến của Kiểm toán nhà nước về gói thầu xây lắp của các dự án theo một số nội dung chủ yếu gồm: các vấn đề về hồ sơ, thủ tục pháp lý của các gói thầu xây lắp; dự toán các gói thầu xây lắp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đưa ra ý kiến, khuyến nghị điều chỉnh dự toán do chưa tuân thủ đúng quy định; khuyến nghị đối với trường hợp cơ sở lập dự toán chưa rõ ràng và vấn đề khác (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để chỉ đạo Bộ GTVT và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tiết kiệm, tránh gây thất thoát lãng phí trước khi thực hiện chỉ định thầu các gói thầu xây lắp.

Tại Báo cáo số 369/BC – CP gửi Quốc hội báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT thực hiện kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có công văn đề nghị Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị kiểm toán chuyên ngành (khu vực) thực hiện kiểm toán hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình các đoạn tuyến/gói thầu xây lắp của các Dự án thành phần trước khi thực hiện công tác chỉ định thầu các gói thầu xây lắp đảm bảo tiến độ khởi công các Dự án trước ngày 31/12/2022 và triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023.

Lý do khiến Bộ GTVT mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc sớm là bộ này muốn công tác lập hồ sơ thiết kế, dự toán các gói thầu xây lắp thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý chặt chẽ và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.

Điều này cũng tránh gây thất thoát lãng phí, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình trước khi thực hiện chỉ định thầu các gói thầu xây lắp theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 08/9/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ.

Theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ gửi hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng của các gói thầu xây lắp thuộc 12 dự án thành phần Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tới Kiểm toán Nhà nước từ ngày 20/10 đến ngày 7/11/2022.

Trình phương án triển khai Dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu 

Ban quản lý Dự án 85 vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.

Dự án có điểm đầu tại Km16+00 kết nối với điểm cuối Dự án thành phần 1, khu vực nút giao với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, địa phận xã Long An, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km34+200 kết nối với điểm đầu Dự án thành phần 3, đường Tô Đình Nguyệt, xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, giáp ranh với địa phận tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Tuyến đi qua các xã Long An, Long Phước, Phước Thái, Tân Hiệp, Phước Bình thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài khoảng 18,2 km; được xây dựng theo quy mô đường ô tô cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, Dự án được xây dựng theo quy mô 6-8 làn xe, bề rộng nền đường đoạn 6 làn rộng 32,25m; đoạn 8 làn rộng 39,75m. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4-6 làn xe, bề rộng nền đường đoạn 4 làn là 24,75; đoạn 6 làn rộng 32,25m.

Hướng tuyến cơ bản bám theo hướng tuyến tổng thể, quy hoạch đã được phê duyệt và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (PreFS) được duyệt.

Cụ thể, hướng tuyến đi gần như song song và cách Quốc lộ 51 hiện tại khoảng 300 – 1500m. Từ điểm đầu Dự án thành phần 2 tại Km16+00 thuộc địa phận thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, tuyến tiếp tục đi song song với Quốc lộ 51 hiện tại tới vị trí giao với đường bộ và đường sắt nhẹ quy hoạch vào sân bay Long Thành tại Km20+300. Sau đó tuyến đi tới vị trí giao với đường cao tốc quy hoạch Bến Lức – Nhơn Trạch – Long Thành tại Km29+400. Tuyến rẽ trái và giao với đường sắt Biên Hòa Vũng Tàu tại Km30+300. Tuyến tiếp tục đi song song với ranh giới tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tránh Khu công nghiệp Mỹ Xuân và Khu đô thị Phú Mỹ tới ranh giới giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại Km34+200 (đường Hắc Dịch) là điểm cuối của Dự án thành phần 2.

Toàn tuyến Dự án thành phần 2 xây dựng 3 nút giao khác mức liên thông gồm: Nút giao Long Thành tại Km16+800; nút giao Sân Bay tại Km20+300; nút giao Tân Hiệp tại Km29+400.

Hình thái nút giao dạng hoa thị kết hợp nhánh rẽ trái trực tiếp đảm bảo kết nối êm thuận, phù hợp với quy hoạch, đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, vận hành và đảm bảo yếu tố kinh tế – kỹ thuật, phù hợp phù hợp với giai đoạn phân kỳ đầu tư dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành (do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC làm chủ đầu tư) và Dự án tuyến kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành (do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam -ACV làm chủ đầu tư).

Tổng diện tích đất dự kiến cần thu hồi của Dự án là khoảng 253,02 ha. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án trình duyệt là: 2.895,198 tỷ đồng (đã bao gồm dự phòng),

Tại Dự án thành phần 2, Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 85 sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai toàn bộ dự án nói chung và phối hợp trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để đảm dự án được triển khai thuận lợi, đảm bảo quy định; đảm bảo 50% vốn cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm giao đơn vị làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng; chỉ đạo, tổ chức, tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính quyền tỉnh Đồng Nai còn có nhiệm vụ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư trong phạm vi địa bàn tỉnh, bố trí tái định cư trong trường hợp các gia đình bị thu hồi đất ở có nhu cầu.

Theo tính toán, tổng mức đầu tư Dự án thành phần 2, giai đoạn 1 là 8.555,2 tỷ đồng, được huy động từ Nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 và nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 – 2030.

Dự án dự kiến chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2026.

Cao tốc Bắc – Nam đoạn Nha Trang – Vân Phong sẽ bàn giao 70% mặt bằng trước 20/11

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đôn đốc tiến độ thực hiện các Dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã Ninh Hòa, Diên Khánh, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh khẩn trương tổ chức triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (đoạn Vân Phong – Nha Trang), đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, chất lượng công trình theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đối với một đô thị.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND các địa phương, gồm thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (đoạn Nha Trang – Vân Phong); đảm bảo hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của Chính phủ (bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đạt 70% khối lượng trước ngày 20/11/2022 và đạt 100% khối lượng trước ngày 30/3/2023).

Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư dự án thành phần 1) tiếp tục căn cứ các mốc tiến độ theo kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện dự án thành phần 1, thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 để chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công, đảm bảo tiến độ theo các mối thời gian theo quy định.

Chính quyền các địa phương, gồm huyện Cam Lâm, Diên Khánh, TP. Cam Ranh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất việc thi công, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, kịp thời giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện dự án theo đúng thời hạn yêu cầu của UBND tỉnh vào ngày 28/9/2022.

Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư VSIP Cần Thơ, vốn gần 160 triệu USD

Chiều ngày 25/10, UBND TP. Cần Thơ tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tưDự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh – Giai đoạn 1 (Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ) cho Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP JV) – đại diện cho các nhà đầu tư VSIP Group (VSIP JV, Becamex, VSIP JSC).

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường (bìa phải) trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện hà đầu tư Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường (bìa phải) trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện hà đầu tư Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được thực hiện bởi 3 nhà đầu tư: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, với diện tích giai đoạn 1 là 293,7 ha.

Dự án có tổng vốn đầu tư là 3.717.934.951.335 đồng, tương đương 159.911.181 USD. Trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là 557.690.242.700 đồng, tương đương 23.986.677 USD, chiếm tỷ lệ 15% tổng vốn đầu tư; vốn huy động là 3.160.244.708.635 đồng, tương đương 135.924.504 USD.

Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.

Ông Anthony Tan, Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore bày tỏ: “Thay mặt Tập đoàn VSIP, tôi rất vui và tự hào khi hiện diện tại đây để đón nhận Giấy chứng nhận đầu tư cho VSIP tại Cần Thơ. Chúng tôi rất cảm kích lãnh đạo Cần Thơ vì đã mạnh mẽ tin tưởng VSIP và trao giấy phép cho chúng tôi, và chúng tôi cam kết rằng VSIP sẽ đặt mọi nỗ lực nhằm mang lại thành công cho dự án, và là dự án mà TP. Cần Thơ có thể tự hào khi nhắc đến… Chúng tôi đang rất háo hức muốn thúc đẩy triển khai dự án nhanh chóng. Chúng tôi hướng đến xây dựng VSIP Cần Thơ trở thành khu công nghiệp xanh, thông minh và bền vững…”.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ là dự án trọng điểm của Thành phố, có sức lan tỏa trong khu vực, dự án được quy hoạch theo tiêu chí công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, quản lý thông minh, hiện đại, phát triển bền vững, giải quyết vấn đề lao động – việc làm, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP. Cần Thơ.

Ngoài ra, dự án cũng phù hợp với định hướng quy hoạch liên quan đến các vùng sinh thái công nghiệp Thốt Nốt – Vĩnh Thạnh, các trục giao thông, trung tâm logistics và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ như kế hoạch quy hoạch chung của thành phố.

“Về phía TP. Cần Thơ, UBND Thành phố và các ngành, các cấp sẽ luôn hỗ trợ, luôn đồng hành và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án có thể triển khai thành công theo đúng tiến độ đã đề ra”, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh.

VSIP Group là thương hiệu được phát triển bởi liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và Tập đoàn Sembcorp (Singapore). Khởi đầu từ năm 1996, đến nay, tổng diện tích 11 khu công nghiệp hiện hữu tại Việt Nam của VSIP Group lên tới trên 10.000 ha, thu hút 880 nhà đầu tư từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Các khu công nghiệp hợp tác giữa Việt Nam – Singapore được đánh giá cao vì không chỉ thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới, tạo ra nhiều việc làm (tổng cộng thu hút được hơn 17 tỉ USD, tạo việc làm cho 295.000 lao động) mà còn phát triển hài hòa giữa công nghiệp với đô thị, dịch vụ, rất xanh sạch và thân thiện với môi trường.

VSIP Cần Thơ là dự án thứ 12 tại Việt Nam và là dự án đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của VSIP Group.

Chờ đón dòng vốn FDI chất lượng từ EU

Nhà máy may hàng thể thao ngoài trời xuất khẩu 100% vốn Đan Mạch tại tỉnh An Giang, vốn đầu tư 17 triệu USD, vừa được Spectre đưa vào hoạt động hôm 30/9. Khác với 2 nhà máy trước đó, nhà máy thứ ba này của Spectre tại Việt Nam được xây dựng gắn liền với những tiêu chuẩn cao về trách nhiệm xã hội (CSR), được cấp giấy chứng nhận thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường.

Bằng việc sử dụng năng lượng mặt trời và thiết kế hiện đại, nhà máy có thể giảm thiểu phát thải khoảng 1.600 tấn CO2 mỗi năm. Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Nicolai Prytz nhấn mạnh, sự hiện diện của nhà máy là minh chứng rõ ràng của dòng vốn xanh vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ở bình diện chung, những Dự án sản xuất xanh trong nhiều lĩnh vực khác vẫn còn thưa vắng. Đặc biệt, thiếu các dự án FDI đổ vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang thiếu và cần như công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh, nông nghiệp công nghệ cao.

Tại Tọa đàm “FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực hiện EVFTA và EVPIA” do Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) và Viện Konrad Adenauer-Stiftung tổ chức hôm qua (25/10), TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR thừa nhận, vẫn chưa có nhiều Dự án FDI từ châu Âu đổ vào các ngành, lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao. FDI của EU chủ yếu tập trung vào 3 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản.

Báo cáo nghiên cứu của VEPR chỉ ra rằng, quy mô các dự án do EU đầu tư còn khá chênh lệch. Bên cạnh một số ít dự án quy mô lớn, phần lớn vẫn là dự án quy mô nhỏ, chất lượng còn thấp trong tương quan so sánh với các dự án của các nhà đầu tư ASEAN. Công nghệ mà các doanh nghiệp EU mang đến Việt Nam cũng chưa cao như kỳ vọng.

Chẳng hạn, số lượng dự án đầu tư của Đức tương đối nhiều nhưng giá trị mỗi dự án không lớn, trong khi Luxembourg có 57 dự án, nhưng tổng vốn đầu tư cao hơn. Tính đến tháng 8/2022, quy mô dự án lớn nhất thuộc về Luxembourg (trung bình 46 triệu USD/dự án), rồi đến Hà Lan (34 triệu USD/dự án), Cộng hòa Síp (20 triệu USD/dự án), các dự án của Pháp và Đức có quy mô nhỏ hơn (tương ứng 5,65 triệu USD/dự án và 5,37 triệu USD/dự án)…

Dù vậy, không thể phủ nhận, với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã thực thi sang năm thứ 3 và Hiệp định Bảo hộ đầu tư song phương (EVIPA) đang trong quá trình phê chuẩn, Việt Nam đã ở trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư EU khi tính chuyện đầu tư ra nước ngoài.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 8/2022, đã có 25/27 nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam, với 2.384 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 27,6 tỷ USD, chiếm 6,42% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam. EU hiện đứng thứ 5/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với số dự án cấp mới đạt 104 dự án.

Tại Hội nghị đánh giá 2 năm thực thi EVFTA mới đây, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đánh giá, dịch Covid-19 dần được kiểm soát, với EVFTA và EVIPA, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu tìm kiếm môi trường đầu tư tiềm năng, an toàn và cạnh tranh.

Kết quả mới nhất của Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) do EuroCham vừa công bố cho biết, 42% doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam dự kiến tăng dòng vốn vào Việt Nam vào cuối năm 2022. Dòng vốn này có thể tăng mạnh khi Việt Nam giảm bớt những cản trở về hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực và giảm rào cản thị thực cho các chuyên gia nước ngoài.

“Để đẩy mạnh thu hút FDI từ châu Âu, Việt Nam cần giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, sửa đổi một số chính sách không còn phù hợp”, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam khuyến nghị.

Theo TS. Nguyễn Thị Vũ Hà, Giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Trường đại học Kinh tế quốc dân), trong bối cảnh FDI toàn cầu sụt giảm mạnh, cạnh tranh thu hút FDI được dự báo sẽ gay gắt hơn. Vì vậy, sức ép cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần được thực thi với tốc độ cao hơn nữa để hút dòng vốn EU.

Hà Nội yêu cầu giải quyết các hồ sơ, thủ tục dự án Vành đai 4 trong 48 giờ

UBND Thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan khẩn trương xử lý, giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ.

Theo kế hoạch, dự án phải khởi công vào quý II/2023, hoàn thành vào năm 2026. Dự án đầu tư phải thực hiện khối lượng lớn về công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, di chuyển các công trình hạ tầng và di chuyển mồ mả; 

Song song với đó là công tác lập quy hoạch, chỉ giới, cắm mốc, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư và triển khai thực hiện các gói thầu phải được tiến hành khẩn trương, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời của các cấp, các ngành, các đơn vị.

Để kịp thời phối hợp, giải quyết những công việc liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện có liên quan chủ động rà soát, triển khai các nhiệm vụ được giao về công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư và triển khai các gói thầu thực hiện dự án theo thẩm quyền, quy định của pháp luật và các nội dung đã được UBND Thành phố Hà Nội phân cấp, ủy quyền; 

Đồng thời, đôn đốc các đơn vị trực thuộc chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện các công việc liên quan; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; kịp thời báo cáo UBND Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.

Các sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện chỉ đạo xử lý, giải quyết khẩn trương, kịp thời các hồ sơ, văn bản, công việc liên đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô (giải quyết các hồ sơ, văn bản gửi đến liên quan đến dự án trong thời gian 24 giờ đến 48 giờ; khi phát hành các văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan có đóng dấu hỏa tốc) để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

UBND Thành phố Hà Nội giao Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, quán triệt các phòng, ban, đơn vị trực thuộc khẩn trương nghiên cứu, tham mưu và đề xuất phương án xây dựng một phân hệ riêng trên hệ thống Văn phòng điện tử đối với việc xử lý các hồ sơ, công việc liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô nhằm hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Thành lập một tổ công tác chuyên trách của Văn phòng theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, tham mưu xử lý các văn bản, hồ sơ liên quan đến việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô do một đồng chí lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố làm tổ trưởng; tham mưu, xử lý ngay đối với các văn bản liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Đề xuất “phanh” Dự án Tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh chưa chấp thuận đề xuất thực hiện đầu tư Dự án Tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar tại huyện Lạc Dương của Công ty cổ phần Golden City.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Lạc Dương rà soát các nội dung về hiện trạng rừng, quy hoạch, đánh giá kỹ lưỡng mức độ tác động của dự án đối với đời sống nhân dân, ảnh hưởng đối với môi trường và một số nội dung khác có liên quan; thực hiện các thủ tục để đủ điều kiện đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Dự án Tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng do Công ty cổ phần Golden City đề xuất thực hiện tại thị trấn Lạc Dương và xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) không phù hợp với các quy hoạch 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch sử dụng đất huyện Lạc Dương đến năm 2020, quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.

Khu vực đề xuất dự án chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được phê duyệt do đó chưa đủ cơ sở để tiến hành thẩm định cụ thể, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar của Công ty cổ phần Golden City có ảnh hưởng đến diện tích khoảng 2,87 ha rừng tự nhiên. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, 2,87 ha rừng tự nhiên này thuộc điều kiện không được sử dụng để thực hiện dự án sân gôn theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Nghị định 52/2020/NĐ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về nguyên tắc đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn và Điều 14 Luật Lâm nghiệp 2017.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, Dự án Tổ hợp sân gôn và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar thuộc một phần các tiểu khu 145A, xã Đạ Sar; tiểu khu 145B, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích lên đến 90,29 ha (trong đó, diện tích sân golf khoảng 71,6 ha).

Lâm Đồng loại 3 dự án thủy điện tích năng

Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, việc phát triển thủy điện tích năng tại tỉnh Lâm Đồng là cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế cho cả khu vực miền Nam, trong đó có tỉnh Lâm Đồng.

Tuy vậy, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đã loại bỏ một số Dự án thủy điện tích năng do ảnh hưởng nhiều đến rừng tự nhiên và không có khả năng đấu nối vào lưới điện quốc gia.

3 thủy điện tích năng bị loại bỏ, gồm Thủy điện tích năng Di Linh 2, xã Tam Bố, huyện Di Linh (công suất 1.200 MW); Thủy điện tích năng Đạ Huoai, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai (công suất 1.000 MW); Thủy điện tích năng Đạ Tẻh 2, xã Mỹ Đức và xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh (công suất 1.500 MW).

Như vậy, hiện chỉ còn 3 dự án thủy điện tích năng được Sở Công thương đề xuất nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2021 – 2030 với tổng công suất 3.700 MW, gồm Thủy điện tích năng Đơn Dương (thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương và xã Xuân Trường, Đà Lạt) công suất 1.200 MW; Thủy điện tích năng Kosy Di Linh (xã Gia Bắc, huyện Di Linh) công suất 1.500 MW; Thủy điện tích năng Đạ Terh (xã Mỹ Đức, huyện Đah Tẻ) công suất 1.000 MW.

Hà Nội công khai 23 dự án vốn ngoài ngân sách bị thu hồi

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa ban hành văn bản số 8053/STNMT-TTr về việc công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với Dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai và vi phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố. 

Trong số 23 dự án mà UBND Thành phố đã có quyết định thu hồi đất, trên địa bàn huyện Thạch Thất có số lượng nhiều nhất, gồm 9 dự án: Dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn (xã Tiến Xuân) do Công ty cổ phầnAn Lạc làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trường đại học tại địa bàn huyện Thạch Thất, trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng biệt thự nhà vườn, Công ty Xây dựng Trường Giang làm chủ đầu tư; Dự án biệt thự nhà vườn, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Như Thành;

Dự án xây dựng xưởng sơ chế và lắp giáp giới thiệu sản phẩm tại huyện Thạch Thất, Công ty TNHH Thiên Hưng làm chủ đầu tư; Nhà máy sản xuất cọc bê tông (xã Tiến Xuân), Công ty cổ phần Licogi 13 – nền móng xây dựng làm chủ đầu tư; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Sunny light (xã Yên Bình), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Ánh Dương; Dự án Khu nhà ở cho cán bộ giáo viên, do trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trung tâm thương mại – dịch vụ (xã Tiến Xuân), do Công ty TNHH Thương mại Tuổi trẻ làm chủ đầu tư.

Tiếp đó là huyện Mê Linh gồm 4 dự án: Dự án khu đô thị mới BMC (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại; Khu đô thị mới Prime Group – Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Prime Group; Dự án khu đô thị mới Việt Á (xã Thanh Lâm), Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư; Dự án khu đô thị mới Vinalines (xã Đại Thịnh – Thanh Lâm – Tráng Việt), Công ty cổ phần bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư;

Ngoài ra, một số địa bàn khác cũng có dự án chậm triển khai bị UBND Thành phố Hà Nội ban hành quyết định thu hồi đất, gồm: Dự án cải tạo xây dựng Tòa nhà văn phòng số 69 Nguyễn Du, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành; Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh khai thác chợ lâm sản Thượng Cát, phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), do Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án bãi đỗ xe tĩnh, khu đất bãi sông Hồng, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), Công ty cổ phần Xây dựng và hỗ trợ phát triển vận tải Phúc An làm chủ đầu tư.

Dự án khu dịch vụ và đào tạo nhân sự cấp cao Phú Hòa và văn phòng làm việc, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), Công ty cổ phần thương mại dịch vụ và đầu tư Phú Hòa làm chủ đầu tư; Dự án trụ sở làm việc, Số 150, ngõ 72 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Công ty cổ phần xây lắp và sản xuất công nghiệp làm chủ đầu tư; Dự án Mở rộng, nâng cấp Viện di truyền nông nghiệp, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm), Viện Di truyền nông nghiệp làm chủ đầu tư.

Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng, số 162 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), chủ đầu tư là Hợp tác xã Công nghiệp Thăng Long; Trụ sở giao dịch và khách sạn, số 6 Đào Duy Anh (quận Đống Đa), chủ đầu tư là Công ty TNHH Việt Anh; Dự án Nam Đoàn Plaza, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm), Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí Viễn thông làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trụ sở Đại sứ quán (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm), Đại sứ quán Vương quốc Ả rập Xê út làm chủ đầu tư.

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường, căn cứ Kết luận số 51-KL/TU ngày 7/4/2022, Nghị quyết số 11 NQ/TU ngày 7/4/2022 của Thành ủy về hội nghị chuyên đề Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII; Quyết định số 2913-QĐ/TU ngày 5/7/2022, số 2950 QĐ/TU ngày 28/7/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc thành lập Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thành phố Hà Nội; 

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND Thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn; Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 8/6/2022 của UBND Thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND.

UBND Thành phố Hà Nội giao các sở, ngành, UBND quận huyện, thị xã; cơ quan báo, đài Thủ đô thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với những dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng; dự án vi phạm bị cưỡng chế, bị thu hồi, bị chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định của pháp luật để tạo sự đồng thuận, giám sát của Nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND xã, phường, thị trấn tổ chức công khai, minh bạch thông tin xử lý trên phương tiện truyền thông địa phương như: loa, đài phát thanh và tại địa điểm đất… đối với 23 dự án mà UBND Thành phố đã có quyết định thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng và chấm dứt hoạt động dự án. 

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, xử lý, bổ sung danh sách để đăng công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các sở, ngành Thành phố và UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật trên địa bàn để tạo sự đồng thuận, giám sát của Nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện. 

Đồng thời tổng hợp, báo cáo rõ kết quả thực hiện các nội dung đã được giao cụ thể cho từng đơn vị theo các văn bản chỉ đạo nêu trên.

10 tháng, hơn 22,46 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Trong khi vốn đăng ký giảm, thì vốn giải ngân tiếp tục tăng tốc, 10 tháng, đạt hơn 17,73 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/10/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 22,46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài theo tháng và theo thành phần vốn đầu tư
Cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài theo tháng và theo thành phần vốn đầu tư

Trong khi đó, 10 tháng, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Theo dự báo, cả năm nay, mức giải ngân có thể đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5% so với năm 2021.

Các số liệu thống kê cho thấy, sau 10 tháng, mức giảm vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đã được cải thiện. 9 tháng, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký giảm tới 15,3%.

Trong đó, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa – chính trị toàn cầu song cũng đang dần được cải thiện. Còn vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vẫn đang xu hướng tăng.

Cụ thể, trong 10 tháng qua, có 1.570 Dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,2% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt gần 9,93 tỷ USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, có 880 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 13,4% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 8,74 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, còn có 2.997 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 2,2% so với cùng kỳ, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,79 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Nhận xét về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 10 tháng qua, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tốc độ giảm vốn đăng ký mới đã được cải thiện đáng kể, nhỏ hơn so với mức giảm 43% của 9 tháng và các mức giảm tương đối lớn trong các tháng đầu năm.

Hơn thế, số dự án đầu tư mới cũng tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng hơn so với các tháng đầu năm.

Có hai lý do được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đưa ra để lý giải cho sự sụt giảm của vốn đăng ký mới.

Thứ nhất, các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới trong các tháng cuối năm 2021, từ đó ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022.

Thứ hai, thị trường toàn cầu đang đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc xung đột địa – chính trị tại châu Âu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và do đó, đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.

Một dấu ấn quan trọng của dòng vốn FDI trong 10 tháng qua, là vốn tăng thêm rất tích cực, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn tiếp tục tăng, đạt mức cao hơn 9 tháng đầu năm

10 tháng năm 2022, số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 14,2%, cao hơn mức tăng 13,4% trong 9 tháng. Quy mô điều chỉnh vốn bình quân 10 tháng/2022 đạt hơn 9,9 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn so với con số này trong cùng kỳ năm 2021 là 9,1 triệu USD/lượt điều chỉnh.

Trong 10 tháng qua, có nhiều dự án quy mô lớn đã tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Điển hình là Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 2 lần 920 triệu USD và 267 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; Dự án Nhà máy Chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD…

Ở góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 10 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,9 tỷ USD, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sảnđứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,87 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo, lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học – công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 928 triệu USD và hơn 853 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,9%, 24,8% và 16,7% tổng số dự án.

Ở góc độ đối tác, theo số liệu tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2022.

Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 5,34 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 21,1% so với cùng kỳ 2021; Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,19 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 3,9 tỷ USD, chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư[1]. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đan Mạch.

Tuy nhiên, theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất trong 10 tháng năm 2022, chiếm 20,6% số dự án mới, 34,4% số lượt điều chỉnh và 34,6% số lượt góp vốn, mua cổ phần.

Quảng Ngãi sẽ không thực hiện 2 dự án điện mặt trời trên đầm An Khê

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản gửi các Sở, UBND thị xã Đức Phổ về việc xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh vừa giao Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xem xét, có văn bản báo cáo Bộ Công Thương về việc không tiếp tục đề xuất bổ sung Dự án điện mặt trời trên đầm An Khê (nằm trong quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh) vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Thời gian hoàn thành trước ngày 10/11/2022.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Đức Phổ khẩn trương lập, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh; tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/11/2022.

Được biết, Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê do Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Hệ thống đề xuất. Dự án có quy mô 33,9 ha tại đầm An Khê với công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành giai đoạn 1 là quý IV/2023, giai đoạn 2 là quý IV/2024.

Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Nước Mặn (An Khê 2) do Công ty CP Systech Đà Nẵng đề xuất với quy mô 32,8ha tại đầm An Khê với công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành đến quý IV/2024.

Năm 2017, trên cơ sở ý kiến của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có kết luận thống nhất chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời tại khu vực đầm An Khê ở xã Phổ Khánh và đầm Nước Mặn ở xã Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ).

Tuy nhiên, chủ trương đầu tư 2 dự án đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Cụ thể, khu vực đề xuất dự án chưa phù hợp với đồ án quy hoạch chung đô thị Đức Phổ đến năm 2035, chưa được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch chung phát triển điện lực quốc gia.

Ngoài ra, khu vực đề xuất dự án còn có nguy cơ phá vỡ không gian sinh tồn và ảnh hưởng đến không gian văn hóa Sa Huỳnh. Trong khi đó, đầm An Khê đã được đưa vào khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt. Vậy nên dự án có thể gây cản trở trong việc xếp hạng di tích này.

Gia Lai thu hồi giấy phép đầu tư dự án nhà máy nước sạch hơn 70 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai vừa ra quyết định chấm dứt hoạt động với Dự án Xây dựng mới Nhà máy nước sạch công suất 5.000m3/ngày đêm, tại thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai của Công ty cổ phần Cấp nước Chư Prông.

Lý do do chấm dứt hoạt động là do nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án đúng theo quyết định chủ trương đầu tư được cấp lần đầu ngày 2/2/2018 và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư ngày 5/6/2019 của UBND tỉnh Gia Lai. Đồng thời, nhà đầu tư không thực hiện ký quỹ, không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của Luật Đầu tư 2020.

UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Chư Prông hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư và thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định pháp luật; nộp lại bản gốc các quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư, các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp trước đó.

Dự án Xây dựng mới Nhà máy nước sạch công suất 5.000m3/ngày đêm tại thị trấn Chư Prông do Công ty cổ phần Cấp nước Chư Prông làm chủ đầu tư. Dự án có mục tiêu cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ người dân thị trấn Chư Prông, các xã thuộc huyện Chư Prông, và cụm công nghiệp huyện Chư Prông…

Dự án có tổng mức đầu tư đăng ký là 70 tỷ đồng, trong đó vốn vay được xác định là 45,5 tỷ đồng. Dự án được dự kiến sẽ được hoàn thành và khai thác công trình vào Quý IV/2019. Đến tháng 6/2019, dự án đã điều chỉnh lùi tiến độ thời hạn khai thác công trình vào Quý IV/2020.

Tuy nhiên, sau khi lùi thời hạn điều chỉnh, cho đến nay, nhà đầu tư đã không thực hiện dự án đúng tiến độ quy định như đã cam kết.

Hà Nội triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ và Bỉ

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA), đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền làm Trưởng đoàn sẽ làm việc với chính quyền bang San Francisco; làm việc với chính quyền thành phố Washington và với đại diện doanh nghiệp kiểu bào Việt Nam tại Washington; thăm và làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco; thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng các chương trình khảo sát thực tế mô hình phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng giao thông đô thị tại Hoa Kỳ…

Tại Bỉ, đoàn công tác sẽ làm việc với đại diện chính quyền Vùng Wallonie-Brussels; làm việc với các đối tác Bộ chuyên đề về sản xuất chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao; chương trình khảo sát thực tế mô hình trang trại điển hình về sản xuất chăn nuôi, lai tạo bò tại Brussels; thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ…

Qua các buổi gặp và tọa đàm được tổ chức, Hà Nội sẽ giới thiệu về tình hình kinh tế – xã hội của thành phố Hà Nội; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của chính quyền hai địa phương nhằm thúc đẩy đầu tư, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai địa phương và tăng cường thu hút đầu tư tại Hà Nội; trao đổi và kết nối doanh nghiệp…

Đây là hoạt động nhằm tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tiếp cận các đối tác truyền thống và mở rộng các đối tác quốc tế mới sau thời gian dài bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19.

Cũng theo HPA, từ năm 2014 đến nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn công tác sang thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, đồng thời đón tiếp các đoàn cấp cao của Hoa Kỳ đến thăm Hà Nội.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Hà Nội sang Hoa Kỳ ước đạt 3,4 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội năm 2021), tăng 25,9% so với năm 2020. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2021 là hàng dệt may (chiếm tỷ trọng 33,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Hoa Kỳ); cơ kim khí (chiếm tỷ trọng 32,7%); linh kiện điện tử-vi tính (chiếm tỷ trọng 8,9%); giày dép, cặp túi các loại (chiếm tỷ trọng 4%).

Kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2021 từ thị trường Hoa Kỳ ước đạt 1,3 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 3,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2021), tăng 23% so với năm 2020. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ năm 2021 là cơ kim khí (chiếm tỷ trọng 23,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ Hoa Kỳ); dược phẩm (chiếm tỷ trọng 15%); linh kiện điện tử, vi tính (chiếm tỷ trọng 13,6%); thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm tỷ trọng 11,4%).

Thành phố Hà Nội đã cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội cho 42 Văn phòng đại diện của thương nhân Hoa Kỳ. Văn phòng đại diện Hoa Kỳ hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực dược phẩm, điện tử, viễn thông, nông sản, buôn bán máy bay, may mặc, phần mềm, máy tính.

Về lĩnh vực du lịch, thành phố Hà Nội đã ký kết Chương trình hợp tác 2 năm 2017 – 2018 và tiếp tục thực hiện Chương trình hợp tác giai đoạn 2019 – 2024 với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN, một trong những hãng truyền thông hàng đầu Hoa Kỳ. Chiến dịch quảng bá này có quy mô lớn, tập trung vào các thị trường tiềm năng trong đó có Hoa Kỳ và các quốc gia Bắc Mỹ khác đã có tác động tích cực trong việc giới thiệu, tạo ấn tượng với khán giả, du khách và các nhà đầu tư về hình ảnh Hà Nội.

Năm 2019, Hà Nội đón 254.742 lượt khách du lịch đến từ Hoa Kỳ (chiếm 34% tổng số lượng khách Hoa Kỳ tới Việt Nam), tăng 5,1% so với năm 2018, đứng thứ 3 trong Top 10 thị trường hàng đầu gửi khách đến Hà Nội .

Từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch COVID-19 bùng phát và tác động ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành Du lịch nói chung và Du lịch Thủ đô nói riêng vì sự sụt giảm nguồn khách quốc tế đến. Khách nước ngoài đến Hà Nội hiện nay cơ bản là khách công vụ, ngoại giao, người lao động nước ngoài.

Về mối quan hệ hợp tác với Bỉ, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường Bỉ đạt 55 triệu USD (chiếm tỉ trọng 0,67% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội 6 tháng đầu năm 2 22) với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Bỉ là nông sản, hàng dệt may, giày dép cặp túi các loại và một số mặt hàng khác như cơ kim khí, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm… 

Kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ Bỉ đạt 81 triệu USD (chiếm tỉ trọng 0.4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội 6 tháng đầu năm 2 22) với các mặt hàng chủ yếu là tân dược, gỗ và nguyên liệu gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ, chất dẻo nguyên liệu, thiết bị điện tử. 

Bỉ hiện đầu tư vào Hà Nội với các lĩnh vực đầu tư bao gồm cấp nước và xử lý chất thải, thương mại, sửa chữa ô tô, xe máy, khoa học công nghệ, dịch vụ…

Bỉ cũng đã viện trợ không hoàn lại cho Hà Nội một số Dự án như trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa và đô thị, công nghệ, thoát nước..

Tỷ lệ phần trăm khách du lịch Bỉ đến Hà Nội trong tổng số khách du lịch nước này đến Việt Nam ở mức cao (chiếm 88%).

Hà Nội thu hút 1,28 tỷ USD vốn FDI sau 10 tháng năm 2022

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, tháng 10/2022, Thủ đô có 21 Dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 2,7 triệu USD. 

Cùng với đó, có 22 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký tăng thêm đạt 237,1 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 30 lượt, đạt 20 triệu USD.

Đoàn công tác của Thành phố Hà Nội sẽ triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch tại Hoa Kỳ và Bỉ, từ ngày 27/10 đến 4/11.
Đoàn công tác của Thành phố Hà Nội sẽ triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch tại Hoa Kỳ và Bỉ, từ ngày 27/10 đến 4/11.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, Thành phố Hà Nội đã thu hút được 1,28 tỷ USD vốn FDI, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, đăng ký cấp mới 283 dự án với số vốn đạt 185,1 triệu USD; 163 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 573 triệu USD; 324 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 521,9 triệu USD.

Trong tháng 10/2022, Thành phố Hà Nội có hơn 2.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 18,3 nghìn tỷ đồng, giảm 32%; thực hiện thủ tục giải thể cho 268 doanh nghiệp, tăng 20%; 1.264 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 50%; 824 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 24%.

10 tháng đầu năm 2022, Hà Nội có 24.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 283 nghìn tỷ đồng, tăng 7%; thực hiện thủ tục giải thể cho gần 3.000 doanh nghiệp, tăng 19%; có hơn 15.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 43%; 8.900 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI vào Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu.

Cùng với đó, Thành phố Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước.

Đồng thời, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, gắn với tạo đột phá, tạo động lực dẫn dắt tạo nền tảng phát triển lâu dài như nền tảng số, cải cách thể chế, tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính…

Bình Định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Làng nghề rượu Bàu Đá

Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood vừa làm việc với UBND tỉnh Bình Định và đề xuất quy hoạch Làng nghề rượu Bàu Đá, Làng văn hóa Bình Định.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đến Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá của tỉnh cũng như ý tưởng quy hoạch đầu tư bảo tồn phát triển sản phẩm rượu Bàu Đá và Làng văn hóa Bình Định.

Đối với Dự án Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND thị xã An Nhơn hoàn tất hồ sơ, thủ tục điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Làng nghề rượu Bàu Đá tại thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn theo phương án đề xuất của nhà đầu tư, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, trình UBND tỉnh trước ngày 5/11/2022. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng thẩm định trình UBND tỉnh trước ngày 10/11/2022.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện lập hồ sơ, thủ tục đầu tư và triển khai các hạng mục của dự án theo đúng quy định của pháp luật vào đầu năm 2023.

UBND thị xã An Nhơn chỉ đạo UBND xã Nhơn Lộc và các đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư phát triển Dự án Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, mang lại lợi ích cho người dân địa phương; đồng thời nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý làng nghề gắn với quản lý hạ tầng, môi trường, tạo điểm nhấn hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Đối với dự án Làng văn hóa Bình Định, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND huyện Tuy Phước và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đề xuất triển khai (hoặc bổ sung) quy hoạch quỹ đất dọc Quốc lộ 19 (mới) khu vực phát triển Làng văn hóa Bình Định, báo cáo UBND tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tiến độ: tháng 3/2023 khởi công xây dựng; tháng 1/2024 đưa dự án đi vào hoạt động.

Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, hướng dẫn UBND huyện Tuy Phước thực hiện việc bổ sung Dự án Làng văn hóa Bình Định vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, báo cáo đề xuất UBND tỉnh để xem xét trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2022.

UBND huyện Tuy Phước khẩn trương cập nhật dự án Làng văn hóa Bình Định vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất của địa phương, tổng hợp báo cáo đề xuất (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trong tháng 10/2022, làm cơ sở để triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.

UBND tỉnh Bình Định đề nghị nhà đầu tư chủ động, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan cung cấp các thông tin dự án để phục vụ công tác lập điều chỉnh quy hoạch Làng nghề rượu Bàu Đá và Làng văn hóa Bình Định cho phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư và triển khai dự án theo đúng tiến độ đề ra.

Đà Nẵng chuyển mục đích sử dụng hơn 115 ha đất để phục vụ 5 công trình, dự án 

Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết thông qua danh mục công trình, Dự án cần thu hồi đất và danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng bổ sung năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, 5 công trình, dự án có diện tích thu hồi đất là 115,5ha; trong đó, dự kiến thu hồi bổ sung trong năm 2022 là 60,95ha.

Các dự án cụ thể, gồm dự án Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) có diện tích 13,29ha; tuyến đường bê-tông giao thông nội bộ ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) với diện tích 125m2; đường Lê Trọng Tấn nối dài (đoạn từ Khu tái định cư Phước Lý 6 đến đường Hoàng Văn Thái) ở phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam với diện tích 2,83ha. Dự án Nghĩa trang Hòa Ninh (giai đoạn 3) ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) với diện tích 32,27ha và các tuyến đường ngang nối quốc lộ 14B ở các xã Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) với diện tích 12,54ha.

Ngoài ra, Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng cũng chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa bổ sung năm 2022 trên địa bàn thành phố đối với 4 công trình, dự án với tổng diện tích đất trồng lúa là 5,4ha.

Các dự án cụ thể gồm dự án Khu tái định cư Tân Ninh mở rộng giai đoạn 2 ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) với diện tích 2,8ha; 2 vị trí thu hồi đất để thực hiện dự án Khu tái định cư phục vụ giải tỏa để đầu tư dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh ở xã Hòa Ninh với diện tích 1,25ha; Khu tái định cư giữa Khu tái định cư số 2 và Khu tái định cư số 3 (thuộc vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến ĐT.602) ở xã Hòa Ninh với diện tích 1,35ha.