Đường Vành đai 4 TP.HCM giảm hơn 4.000 tỷ đồng; đề xuất xây cầu Ô Môn gần 9.200 tỷ đồng

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Cần Thơ bổ sung 100 tỷ đồng cho đường vành đai phía Tây

Văn phòng UBND TP. Cần Thơ vừa Thông báo kết luận của Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển tại cuộc họp kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Dự án Đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C).

Dự án Đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ đã được khởi công vào ngày 17/11/2022.

Cụ thể, Phó chủ tịch Dương Tấn Hiển giao Sở Giao thông vận tải (chủ đầu tư) chủ động liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát chủ trương thực hiện dự án đã được HĐND thành phố phê duyệt (phần đường khoảng 1,6 km) thống nhất phương án thực hiện, tham mưu UBND thành phố xem xét quyết định;

Chủ trì, rà soát, tính toán chính xác chi phí phát sinh phần xây lắp; đồng thời, phối hợp với UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan thực hiện điều chỉnh dự án trong quý I/2023.

UBND TP. Cần Thơ cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở tài chínhtham mưu UBND thành phố xem xét việc cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện dự án theo quy định;

Tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố bố trí bổ sung vốn năm 2023 (100 tỷ đồng) cho Sở Giao thông – Vận tải thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đồng thời, liên hệ Bộ Kế hoạch và Đầu tư việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương nhằm giải quyết khó khăn trong việc chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tham mưu UBND thành phố cân đối, bố trí vốn thực hiện việc mở rộng các khu tái định cư theo đề nghị của UBND quận, huyện nhằm đảm bảo việc bố trí tái định cư khi có công trình thực hiện trên địa bàn quận, huyện.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện tham mưu UBND thành phố phê duyệt lại giá đất cụ thể theo quy định…

Về phía các địa phương có dự án đi qua, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ giao UBND quận, huyện rà soát, tính toán chi tiết, chính xác chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, báo cáo Sở Giao thông vận tải để thực hiện việc điều chỉnh chủ trương do tăng tổng mức đầu tư, tránh trường hợp phải thực hiện điều chỉnh nhiều lần.

Đối với quyết định phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt thì tiếp tục thực hiện việc chi trả; đối với trường hợp đã được phê duyệt nhưng người bị ảnh hưởng chưa chịu nhận tiền, cần lập hồ sơ, biên bản đầy đủ, tránh khiếu kiện về sau…

Dự án đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C) là Dự án thuộc Nhóm A, loại công trình: đường đô thị, đường phố gom, công trình giao thông cấp II (tốc độ thiết kế 50 km/h).

Dự án đi qua các địa phương: quận Ô Môn, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều và quận Cái Răng, với tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 19,4km, trong đó có 24 vị trí cầu trung và nhỏ, 1 vị trí cầu lớn (bao gồm 49 đơn nguyên cầu) và các cống thoát nước theo địa hình. Điểm đầu giao với Quốc lộ 91 (tại Km20+370 Quốc lộ 91) và giao với Đường tỉnh 922. Điểm cuối giao với Quốc lộ 61C (tại Km1+400 Quốc lộ 61C).

Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.837 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương và huy động các nguồn vốn khác. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 829 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 2.684 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 16 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 94 tỷ đồng; chi phí khác hơn 38 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 174 tỷ đồng.

Dự án đã được khởi công vào ngày 17/11/2022, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Dự án khi đi vào hoạt động sẽ hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của TP. Cần Thơ, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của Quốc gia và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C, Quốc lộ 1A, tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa Cần Thơ với các tỉnh lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.

Ngoài ra, việc đưa dự án vào khai thác sử dụng góp phần rất lớn vào việc giảm ùn tắc giao thông khu vực nội ô quận Ninh Kiều, mở rộng không gian phát triển TP. Cần Thơ về phía Tây, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.

Chỉnh hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM giảm hơn 4.000 tỷ đồng

Ngày 17/2, UBND TP.HCM có văn bản số 505/UBND-DA gửi Chính phủ và Bộ Giao thông – Vận tải báo cáo về tình hình triển khai các Dự án đường cao tốc đầu tư theo phương thức PPP.

Quy hoạch hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM.
Quy hoạch hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM.

Đáng chú ý trong số các dự án đang chuẩn bị triển khai, đường Vành đai 4 đoạn đi qua TP.HCM đang được xem xét điều chỉnh hướng tuyến để giảm tổng mức đầu tư.

Sau khi khảo sát thực tế và nghiên cứu Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM đề xuất 3 phương án để lựa chọn phương án tối ưu nhất nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng.

Phương án 1: Thực hiện theo hướng tuyến đã quy hoạch, đi trùng với đường Bàu Lách, đường Nguyễn Thị Rành, đường Trung Viết, đường Cao Thị Bèo… huyện Củ Chi.

Phương án này thì chiều dài đường Vành đại 4 đoạn đi qua TP.HCM là 17,3 km, diện tích giải phóng mặt bằng là 154,4 ha. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 17.791 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 10.686 tỷ đồng.

Phương án 2: Nắn chỉnh một đoạn 9,7 km về phía nam 160 m, tránh đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành hiện hữu; đoạn kế tiếp 3,7 km nắn về phía nam 120 m tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo hiện hữu; đoạn còn lại đi trùng tim quy hoạch.

Khi điều chỉnh chiều dài tuyến đường còn 17,29 km, diện tích giải phóng mặt bằng là 154 ha. Tổng mức đầu tư của phương án này giảm còn 13.803 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 6.940 tỷ đồng.

Ưu điểm của phương án này là tránh được đường hiện hữu, tránh được khu dân cư, số hộ dân di dời ít nên giảm chi phí giải phóng mặt bằng.

Phương án 3: Nắn chỉnh một đoạn dài 14,7 km về phía nam tối đa 1.300 m tránh đường hiện hữu, đoạn 2,5 km còn lại đi trùng hướng tuyến đã quy hoạch.

Đi theo hướng tuyến này chiều dài tuyến đường sẽ còn 16,75 km, diện tích giải phóng mặt bằng chỉ còn 150 ha.

Chi phí đầu tư là 13.631 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 6.799 tỷ đồng (thấp nhất so với các phương án còn lại).

Như vậy, so về chiều dài, chi phí giải phóng mặt bằng thì phương án 3 khi làm sẽ giảm được 4.160 tỷ đồng so với phương án 1.

Theo kế hoạch dự kiến được UBND TP.HCM xây dựng, Dự án đường Vành đai 4 sẽ được quyết định chủ trương đầu tư vào quý II/2023, khởi công dự án vào quý IV/ 2024, đưa vào khai thác, thu phí vào quý I/2028.

Đề xuất phương án nâng đời đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức PPP 

UBND tỉnh Hòa Bình vừa có Tờ trình số 07/TTr- UBND về việc thực hiện đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Theo Tờ trình số 07, Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc- Hòa Bình có điểm đầu tại vị trí điểm đầu dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình hiện trạng (khoảng Km6+680 trên đường Hòa Lạc – Hòa Bình, giao với đường Hòa Lạc – làng Văn Hóa các dân tộc, thuộc địa phận xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội); điểm cuối tại Km23+040 tại vị trí điểm giao cắt giữa đường Hòa Lạc – Hòa Bình hiện trạng và Quốc lộ 6 (khoảng Km64+940 của Quốc lộ 6).

Một đoạn đường Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn 1.
Một đoạn đường Hòa Lạc – Hòa Bình giai đoạn 1.

Tổng chiều dài toàn tuyến thuộc Dự án khoảng 23,04km, trong đó, đoạn đi qua địa phận TP. Hà Nội dài khoảng 6,37km; địa phận tỉnh Hòa Bình dài khoảng 16,67km.

Dự án dự kiến xây dựng tuyến đường với 6 làn xe (có dự trữ quỹ đất hai bên đường để xây dựng hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe – mỗi bên 2 làn và xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai), với tổng chiều rộng nền đường hoàn thiện khoảng từ 80m – 110m.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Dự án sẽ thực hiện đầu tư tuyến đường với quy mô 6 làn xe (tận dụng tối đa 2 làn xe hiện tại) và giải phóng mặt bằng toàn bộ phạm vi đầu tư của dự án, tạo điều kiện hoàn thiện các hạng mục còn lại trong tương lai.

UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình và Dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình, giai đoạn 1.

Sau khi được bàn giao, UBND tỉnh Hoà Bình tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan tiếp tục giải quyết, đồng thời triển khai các thủ tục đầu tư mở rộng hoàn chỉnh tuyến đường Hoà Lạc – Hoà Bình.

UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục liên quan bàn giao Cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình và Dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình giai đoạn 1 từ Bộ GTVT cho UBND tỉnh Hòa Bình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Cũng tại Tờ trình số 07, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng giao cho tỉnh này là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Hòa Bình cam kết sẽ tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án theo chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội và nhà đầu tư giai đoạn I Dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình và các tổ chức, cá nhân để thực hiện việc tiếp nhận chuyển giao từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Hòa Bình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

“UBND tỉnh Hòa Bình sẽ bố trí đủ phần kinh phí đối ứng từ Ngân sách địa phương, các nguồn vốn hợp pháp khác và phần vốn thực hiện dự án của nhà đầu tư để triển khai dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm đúng quy định của pháp luật”, ông Bùi Văn Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết.

Rõ dần phương án bố trí vốn đối ứng hoàn thiện cao tốc Bến Lức – Long Thành

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 38/TB – VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về việc bố trí vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành hôm 16/2/2023.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá việc giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành là khẳng định chủ thể có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng của Dự án theo đúng quy định tại Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về nghiệp vụ quản lý nợ công.

Hạng mục cầu Phước Khánh thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Hạng mục cầu Phước Khánh thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Phó Thủ tướng giao VEC khẩn trương có văn bản cam kết về việc bố trí vốn đối ứng cho Dự án theo đúng quy định và trách nhiệm trả nợ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 21/2/2023. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc bố trí vốn đối ứng cho Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 24/2/2023.

Trước đó, vào tháng 7/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng từng kiến nghị Chính phủ thống nhất chủ trương giao VEC có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 để tiếp tục triển khai Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC cập nhật lại các thông số đầu vào (vốn đối ứng tiếp tục bố trí cho Dự án, vốn ODA chuyển từ vay lại sang cấp phát, vốn vay của ngân hàng Phát triển châu Á – ADB, lãi phát sinh trái phiếu chính phủ bảo lãnh…), tính toán lại tổng thể phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, đảm bảo khả năng trả nợ của VEC trình cấp thẩm quyền quyết định. VEC chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng về tính chính xác của số liệu báo cáo và tính khả thi của phương án tài chính.

Nếu phương án này được thông qua, VEC sẽ tự cân đối số vốn đối ứng còn thiếu trị giá khoảng 1.807 tỷ đồng từ nguồn thu phí cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, thay vì tiếp tục chờ nguồn ngân sách nhà nước.

Được biết, kể từ năm 2019, Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành không được giao vốn đối ứng từ nguồn ngân sách bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Cụ thể, tại Thông báo số 702/TB-KTNN ngày 18/12/2018, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc Bộ GTVT phê duyệt Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, trong đó bố trí vốn đối ứng trong nước, mà không báo cáo và xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là chưa phù hợp quy định tại khoản 3, Điều 14 và Điều 27, Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về nghiệp vụ quản lý nợ công.

Bên cạnh đó, điểm c, khoản 4, Điều 20, Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công quy định: “Đối với chương trình, dự án được áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ hoặc vay lại một phần vốn vay nước ngoài của Chính phủ, chủ dự án bố trí từ vốn chủ sở hữu hoặc nguồn vốn hợp pháp khác của dự án”. Tại Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, VEC là đối tượng vay lại, nên theo quy định hiện hành, đơn vị này có trách nhiệm tự thu xếp vốn đối ứng.

Đặc biệt, từ khi VEC chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc tiếp tục giao vốn đối ứng cho Dự án qua đầu mối nhận kế hoạch là Bộ GTVT chưa phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 49, Luật Ngân sách nhà nước về phân bổ và giao dự toán ngân sách. “VEC tự bố trí số vốn đối ứng còn lại cho Dự án chính là phương án tối ưu nhất”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư vào tháng 10/2010 và được Bộ GTVT phê duyệt vào ngày 31/12/2014.

Dự án có chiều dài 57,8 km, tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, gồm vốn vay ADB 13.654,6 tỷ đồng; Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 11.975 tỷ đồng và vốn đối ứng là 5.689,7 tỷ đồng.

Theo thông tin từ VEC, sản lượng thi công của công trình này đã đạt khoảng 80%. Dự án được khởi công từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2019, nhưng do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế pháp lý, trong đó có thủ tục bố trí vốn ODA, vốn đối ứng, nên phải dừng thi công từ giữa năm 2019.

Lãnh đạo VEC cho biết, trường hợp khó khăn về bố trí vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, đơn vị này sẽ tự bố trí phần vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và 3 dự án đường cao tốc sử dụng vốn ODA khác còn thiếu vốn. Nguồn vốn dự kiến được lấy từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ các tuyến: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Cầu Giẽ – Ninh Bình; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Nội Bài – Lào Cai.

Thêm gần 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào Hải Phòng

Mới đây, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND TP. Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án mới với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng.

Tại Hải Phòng, Tập đoàn LG đã đầu tư 7 Dự án
Tại Hải Phòng, Tập đoàn LG đã đầu tư 7 dự án

Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, 142 Lê Lai do Công ty cổ phần Thái – Holding làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 4.900 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội để bán và cho thuê (bán tối đa 80%, cho thuê tối thiểu 20%), nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển về nhà ở xã hội của Thành phố và Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 12/4/2022 của HĐND Thành phố về Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn.

Dự án thứ hai là Dự án nghiên cứu, phát triển và sản xuất Cell Pin 1 do Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng VinES làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng. Dự án sản xuất pin và ắc quy tại nhà xưởng thuê trong Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast, đảo Cát Hải, huyện Cát Hải, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Nhà xưởng diện tích khoảng 27.000 m2; sản phẩm, dịch vụ cung cấp là Cell pin và các linh phụ kiện đi kèm với công suất thiết kế 2,2 GWh/năm.

Dự án thứ ba là Dự án khai thác tàu container do Zim Integrated shipping services Ltd., (Isarel) và Công ty cổ phần Xếp dỡ Hải An làm chủ đầu tư. Với tổng vốn đầu tư 1.383,3 tỷ đồng, Dự án hình thành với mục tiêu cung cấp các loại hình dịch vụ vận tải biển, dự kiến vận hành, khai thác từ quý IV/2023.

UBND TP. Hải Phòng và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng đã cùng nhau ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc nghiên cứu Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 trên địa bàn huyện An Lão. Hai bên xác định, việc hợp tác phát triển Dự án là nhiệm vụ chiến lược, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.

UBND TP. Hải Phòng ủng hộ việc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng nghiên cứu dự án trên với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng. Theo chủ đầu tư, Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 sẽ thu hút các dự án trong lĩnh vực điện tử, linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, đặc biệt là các dự án lớn như LG và vệ tinh của LG.

Về hạ tầng, Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 được xây dựng hệ thống cấp điện tốt, hệ thống cấp nước sạch từ 2 nguồn, công suất hơn 20.000 m3, nhà máy xử lý nước thải với công suất 13.800 m3; đảm bảo cung cấp các điều kiện hạ tầng cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp. Đường trục chính của Khu công nghiệp đảm bảo được 6 làn xe giúp phương tiện lưu thông ổn định và thuận lợi cho người lao động.

Hiện nay, Khu công nghiệp Tràng Duệ có tổng quy mô 1.088 ha. Trong đó, giai đoạn I và II là 401 ha, đã được lấp đầy toàn bộ với 88 dự án, 85% là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 có quy mô 687 ha.

Tại Hải Phòng, Tập đoàn LG đã đầu tư 7 dự án (tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG và các doanh nghiệp phụ trợ) tại Khu công nghiệp Tràng Duệ với mục tiêu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm thiết bị nghe nhìn, di động, gia dụng và điện lạnh. Tổng vốn đầu của các dự án thuộc Tổ hợp LG đạt 7,24 tỷ USD, chiếm 38,2% tổng vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; chiếm 37,13% tổng vốn đầu tư FDI toàn TP. Hải Phòng.

Việc triển khai dự án tại Hải Phòng của LG đã hình thành mạng lưới các dự án vệ tinh, sản xuất phụ trợ với hơn 50 doanh nghiệp đầu tư tại Khu công nghiệp Tràng Duệ có tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.

Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt ít nhất 95%

Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: VGP)
Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. (Ảnh: VGP)

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.

Phân tích tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định, tình hình trong nước có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng cho rằng, phải giữ vững bản lĩnh, linh hoạt để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh khó khăn, thách thức, chịu sức ép đến cùng lúc từ cả bên trong và bên ngoài.

Một trong những giải pháp là thúc đẩy đầu tư công, giải ngân đầu tư công, bởi đây vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển.

Giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội…; bảo đảm an ninh quốc phòng; giải quyết việc làm, tăng cường an sinh xã hội; tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối địa phương, kết nối vùng;duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng góp phần thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu và các chính sách khác để tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây vẫn là nhiệm vụ nặng nề, triển khai khó khăn, là vấn đề trăn trở kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 06 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành khi đi công tác địa phương đã dành nhiều thời gian đi thị sát, kiểm tra các Dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia, của tỉnh, thành phố.

Nhờ đó, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/01/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.

Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Công việc giải ngân vốn đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội ngày càng nặng nề khi tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là gần 711,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so với 2022.

Thủ tướng yêu cầu, chúng ta phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.

Với khối lượng vốn đầu tư công lớn hơn hơn, yêu cầu cao hơn, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu báo cáo, thảo luận về tình hình giải ngân; phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan; các bài học kinh nghiệm, giải pháp hay, cách làm tốt; định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; thống nhất nhận thức, tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động sau cuộc họp.

Cần Thơ: Báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công trước 16h30 hằng ngày

Ngày 20/2, Văn phòng UBND TP.Cần Thơ đã có Công văn số 514/VPUB-XDĐT gửi Kho bạc Nhà nước Cần Thơ về việc theo dõi, báo cáo kết quả giải ngân hằng ngày.

Chủ tịch UBND thành phố giao Kho bạc Nhà nước Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, quận, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ số liệu giải ngân, báo cáo trực tiếp lãnh đạo và các chủ đầu tư qua nhóm
Chủ tịch UBND thành phố giao Kho bạc Nhà nước Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, quận, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ số liệu giải ngân, báo cáo trực tiếp lãnh đạo và các chủ đầu tư qua nhóm

Theo Công văn nêu trên, để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản trên địa bàn TP. Cần Thơ, Chủ tịch UBND thành phố giao Kho bạc Nhà nước Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, quận, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ số liệu giải ngân, báo cáo trực tiếp lãnh đạo và các chủ đầu tư qua nhóm Zalo “ĐẦU TƯ CÔNG TPCT” đã được thiết lập trước 16 giờ 30 hằng ngày.

Các nội dung báo cáo gồm: Tình hình thanh toán/giải ngân theo chủ đầu tư (thành phố và quận, huyện); tình hình giải ngân theo từng Dự án (thành phố và quận, huyện); tình hình giải ngân phân chia theo từng nguồn vốn (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn ODA…) để xem xét, chỉ đạo kịp thời (nếu có) và thông tin trên cổng Trung tâm điều hành thông minh TP. Cần Thơ.

Theo báo cáo của UBND TP.Cần Thơ, tính đến ngày 31/1/2023, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố là 688,126/6.603,346 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 10,4% kế hoạch. Trong đó, ngân sách địa phương quản lý giải ngân là 513,545/5.717,808 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch (cấp thành phố giải ngân đạt 5,6% kế hoạch, cấp quận, huyện giải ngân đạt 16,2% kế hoạch).

Cần Thơ đề xuất xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu vốn gần 9.200 tỷ đồng

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè vừa ký Tờ trình số 14/TTr- UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính về việc Đề xuất Dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ – Dự án 2 (Đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối TP. Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp) tham gia chương trình DPO.

Theo đề xuất của UBND TP. Cần Thơ, dự án cầu Ô Môn có địa điểm xây dựng tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ và huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Phạm vi dự án cầu Ô Môn nằm trong tổng thể tuyến liên vùng kết nối Đồng Tháp – Cần Thơ – Kiên Giang. Điểm đầu dự án tại điểm giao Quốc lộ 54 thuộc tỉnh Đồng Tháp, cách bến phà Phong Hòa – Ô Môn khoảng 2,7 Km về phía thượng nguồn sông Hậu. Điểm cuối giao đường Tinh 920 quy hoạch thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Tổng chiều dài khoảng 5.400 m.

Dự kiến mặt cắt ngang cầu Ô Môn được đầu tư quy mô 4 làn xe, với tổng bề rộng mặt cầu là 26,50 m. Cầu chính là cầu dây văng dầm thép tiết diện chữ I liên hợp bản mặt cầu bê tông cốt thép, mặt cắt ngang cầu chữ II, bố trí theo sơ đồ (210+ 450+210).

Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là 9.187,54 tỷ đồng (tương đương 374,24 triệu USD). Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị trên 5.950 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên 291 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình và chi phí khác gần 893 tỷ đồng và dự phòng gần 2.053 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, dự kiến nguồn vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản (Nhà tài trợ dự kiến hỗ trợ thực hiện dự án Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA) trên 7.276 tỷ đồng; nguồn vốn từ ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác gần 1.912 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án năm 2023 – 2030. Cơ quan chủ quản dự án là UBND TP.Cần Thơ.

Theo UBND TP. Cần Thơ, mục tiêu chung đầu tư thực hiện công trình cầu Ô Môn phù hợp với Quy hoạch vùng ĐBSCL (Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022), hình thành nên trục kết nối Đồng Tháp Cần Thơ – Kiên Giang đóng vai trò quan trọng trong phát triển các khu công nghiệp của thành phố. Đồng thời, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Về mục tiêu ngắn hạn, bổ sung tuyến kết nối liên vùng để hỗ trợ cho các trục chính quốc gia, tạo sự kết nối liên thông giữa các địa phương trong khu vực mà trọng tâm là các tỉnh, thành: Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang; giảm bớt các tác động môi trường do các phương tiện vận tải gây ra khi kẹt xe, ách tắc giao thông và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng xăng dầu…

TP.HCM sẽ có 80% mặt bằng để khởi công đường Vành đai 3 vào tháng 6

Năm nay, TP. HCM bố trí 18.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3, đến giữa tháng 6 sẽ bàn giao 80% cho nhà đầu tư để kịp khởi công dự án.

Sơ đồ toàn cảnh đường Vành đai 3, TP.HCM
Sơ đồ toàn cảnh đường Vành đai 3, TP.HCM

Thông tin này được Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội diễn ra ngày 21/2.

Nói về số vốn để bố trí cho các Dự án hạ tầng trọng điểm tại TP.HCM, ông Phan Văn Mãi cho biết, năm nay, vốn giải phóng mặt bằng dành cho Dự án đường Vành đai 3 là hơn 18.000 tỷ đồng. Đây là số vốn rất lớn, nên từ cuối năm 2022, Thành phố đã khẩn trương rà soát các thủ tục để thực hiện giải phóng mặt bằng.

“Thành phố cố gắng đến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 80% mặt bằng để khởi công Dự án. Mục tiêu đến tháng 11/2023 bàn giao 100% mặt bằng để nhà thầu thi công”, Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh.

Tại các cuộc họp về tiến độ thực hiện Dự án đường Vành đai 3, ông Phan Văn Mãi đánh giá, Dự án đường Vành đai 3 đi qua 4 tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa rất cao, mật độ dân cư dày đặc, nên việc giải phóng mặt bằng khó khăn. Nếu không chuẩn bị kỹ các bước thì tiến độ Dự án sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện tại, TP.HCM đã cắm mốc giải phóng mặt bằng và đang bố trí tái định cư cho người dân nơi Dự án đi qua.

Ngày 20/2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (Ban giao thông) đã kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương lập kế hoạch vệ sinh, sửa chữa các hư hỏng phát sinh tại chung cư C8 (phường Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức) và khu dân cư tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) để bố trí tái định cư cho người dân.

Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại dự án khu tái định cư Long Bửu (giai đoạn 2) dùng để bố trí tái định cư cho người dân nhường đất cho dự án.

Hiện nay, TP. HCM đang triển khai đồng thời các công việc giải phóng mặt bằng cùng với thẩm định; phê duyệt dự án; điều chỉnh cục bộ quy hoạch, quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường… để rút ngắn thời gian thực hiện.

Như vậy, đến thời điểm này, Dự án đường Vành đai 3 không còn các mối lo về vốn và giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất hiện tại là thiếu cát xây dựng và cát đắp nền đường.

Sau khi tính toán và tìm kiếm các nguồn cung cấp cát, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM cho biết, cát xây dựng và cát phục vụ đắp nền đường hiện còn thiếu khối lượng lớn. Mới đây, UBND TP. HCM đã gửi văn bản đề nghị 5 tỉnh, thành phía Nam cho phép khai thác các mỏ cát để cung cấp cho Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM.

Chính thức đề xuất bổ sung Cảng hàng không Thành Sơn – Ninh Thuận vào quy hoạch

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị người đứng đầu Chính phủ quan tâm, sớm chấp thuận bổ sung quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm sớm đưa Sân bay vào khai thác, tạo động lực giúp tỉnh này hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

UBND tỉnh Ninh Thuận xác định việc bổ sung quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giúp địa phương hoàn chỉnh đầy đủ 5 phương thức vận tải (hiện địa phương đã có các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa).

“Cảng hàng không Thành Sơn sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, mở ra động lực tăng trưởng mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng cho địa phương”, ông Trần Quốc Nam cho biết.

Được biết, sân bay quân sự Phan Rang (sân bay Thành Sơn) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghiên cứu chuyển sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng (quân sự kết hợp với dân dụng) để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng làm tổ trưởng để chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn, Biên Hòa cũng như đề xuất đưa vào quy hoạch sân bay mới tại một số địa phương.

Ngày 2/11/2022, đoàn Công tác do lãnh đạo Bộ GTVT chủ trì cùng đại diện các Bộ ngành Trung ương đã tổ chức khảo sát thực địa tại sân bay quân sự Thành Sơn.

Đoàn công tác đã đánh giá về yếu tố kỹ thuật, khả năng khai thác tàu bay hàng không dân dụng, tính khả thi về hiệu quả đầu tư…

Trên cơ sở đánh giá của đoàn công tác, ngày 13/2/2023, Bộ GTVT đã báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác; trong đó có việc đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất giao cho địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức nghiên cứu thực hiện đầu tư và lập lập đề án đánh giá tính khả thi, hiệu quả, đảm bảo huy động được nguồn vốn để đầu tư theo phương thức đối tác PPP.

Sân bay Thành Sơn là sân bay quân sự cấp 1, nằm ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Sân bay có diện tích khoảng 2.100ha.

Các công trình khu bay tại sân bay Thành Sơn được xây dựng từ những năm 1960 đến nay đã xuống cấp nên cần thực hiện khảo sát, tính toán phương án cải tạo, nâng cấp kết cấu hệ thống sân đường khu bay, đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát; đầu tư đường lăn song song, đường lăn nối và sân đỗ máy bay ở khu vực phía Đông, Đông-Nam.

Ngoài các công trình hàng không theo phương án đề xuất cần thực hiện đầu tư các công trình bảo đảm hoạt động bay, đường giao thông kết nối tới cổng số 1 ở phía Nam của sân bay. Ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng.

Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ dự kiến khởi công trong tháng 6/2023

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đang phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Vĩnh Thạnh tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (do Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển làm Trưởng Ban) đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh – Giai đoạn 1 (Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ), trong đó, tập trung công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư 2 tuyến đường dẫn vào khu công nghiệp, khu tái định cư; đầu tư tuyến đường tạm vào khu công nghiệp để phục vụ lễ khởi công Dự án dự kiến vào tháng 6/2023.

Về tiến độ thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh – giai đoạn 1, theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, đến nay, Dự án đã kiểm kê lập 476/525 hồ sơ bồi thường, đạt 90,6%, tương đương diện tích 265,7/293,7 ha.

Riêng hai dự án đường nối vào khu công nghiệp, đối với Dự án đường nối Quốc lộ 80 vào Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (mặt cắt ngang 80 m, chiều dài toàn tuyến khoảng 572 m, tổng diện tích khoảng 4,8 ha) đã kiểm kê lập hồ sơ bồi thường đạt 100%. Dự kiến khởi công xây dựng ngày 26/4/2023.

Dự án đường nối từ đường dẫn cầu Vàm Cống vào Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (mặt cắt ngang 80 m, chiều dài toàn tuyến khoảng 1.272 m, tổng diện tích khoảng 9,7 ha) đã kiểm kê lập hồ sơ bồi thường 54/54 hộ, đạt 100%. Dự kiến khởi công gói thầu thi công xây dựng tháng 7/2023.

Còn Dự án khu tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (diện tích khoảng 26,15 ha) đã kiểm kê lập hồ sơ bồi thường 37/37 hộ (đạt 100%). Dự kiến trình và phê duyệt dự án trong tháng 6/2023, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong tháng 7/2023.

Chủ đầu tư Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đã và đang xúc tiến các thủ tục để được cấp thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/2000 và Đánh giá tác động môi trường dự kiến được phê duyệt trong quý I/2023. Dự kiến sẽ chi trả tiền cho người dân trong tháng 2/2023; lập thiết kế cơ sở, các thủ tục về xây dựng, PCCC; bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công xây dựng vào quý II/2023 và bàn giao đất cho các nhà đầu tư (thứ cấp) từ quý 2/2024.

Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh – Giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và được Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 10/2022.

Dự án được thực hiện bởi 3 nhà đầu tư: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP, Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore.

Địa điểm thực hiện Dự án tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, với diện tích giai đoạn 1 là 293,7 ha, với tổng vốn đầu tư gần 3.718 tỷ đồng, tương đương trên 159,9 triệu USD.

Phát biểu tại buổi Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án (25/10/2022), ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ là dự án trọng điểm của Thành phố, có sức lan tỏa trong khu vực, dự án được quy hoạch theo tiêu chí công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, quản lý thông minh, hiện đại, phát triển bền vững, giải quyết vấn đề lao động – việc làm, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP. Cần Thơ.

Ký Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí cho Dự án Nhiệt điện Ô Môn II

Sau một quá trình đàm phán trên tinh thần hợp tác cùng phát triển Dự án giữa các bên, Thỏa thuận Khung Hợp đồng bán khí Lô B cho Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và liên danh 2 doanh nghiệp gồm Marubeni Corporation và Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) đã được ký kết dưới sự chứng kiến của các cơ quan Chính phủ và các đơn vị liên quan.

Việc ký kết Thỏa thuận khung này là một bước quan trọng để các Bên tiếp tục triển khai các công việc cần thiết nhằm đảm bảo tiến độ chuỗi Dự án khí – điện Lô B.

Nội dung chính của Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí này là thống nhất các nguyên tắc và các điều khoản chính trong Hợp đồng bán khí (GSA) đầy đủ và làm cơ sở để các bên thúc đẩy tiến độ đầu tư toàn bộ các Dự án trong chuỗi khí – điện Lô B.

Tiến độ nhận khí của Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II sẽ đồng bộ với tiến độ phát triển mỏ của Dự án khí Lô B thượng nguồn.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng bày tỏ mong muốn, Hợp đồng bán khí cho Dự án Nhiệt điện Ô Môn II sẽ được hoàn tất trong năm 2023.

Cuối năm 2020, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 22/1/2021.

Đến ngày 8/2/2021, tại TP. Cần Thơ, lãnh đạo Thành phố đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II cho nhà đầu tư là liên danh WTO và Tập đoàn Marubeni.

Và ngày hôm qua, 21/2/2023, Công ty TNHH Điện Ô Môn II đã được TP. Cần Thơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II có quy mô công suất thiết kế 1.050 MW ± 10%, cấu hình lựa chọn là 2-2-1 (2 tuabin khí, 2 lò hơi thu hồi nhiệt và 1 tuabin hơi) đảm bảo hiệu suất tối ưu, độ tin cậy và khả năng linh hoạt cao trong quá trình vận hành.

Dự kiến, khi nhà máy đi vào họat động sẽ tiêu thụ khoảng 1,35 tỷ m3 khí/năm. Về tiến độ thực hiện dự án, Nhà máy sẽ hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2026 – 2027, bảo đảm phù hợp với tiến độ chung của chuỗi Dự án khí – điện Lô B.

Trong tương lai, khi Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II đi vào hoạt động sẽ sản xuất bình quân khoảng 6,3 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, Nhà máy còn giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.

Trong đó, giai đoạn thi công nhà máy sẽ tuyển dụng khoảng 1.000 lao động và giai đoạn vận hành dự án dẽ tuyển dụng khoảng 250 lao động.

Bộ Giao thông – Vận tải chỉ đạo nóng để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp sân bay Điện Biên

Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV về việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, trong thời gian vừa qua, các đơn vị tham gia Dự án chưa thực sự tập trung, chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt triển khai nên các công việc hiện nay đã bị chậm so với kế hoạch ban đầu đặt ra.

Cụ thể, tiến độ thi công hạng mục tường rào bị chậm khoảng 3 tháng; hạng mục công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay bị chậm khoảng 4 tháng; hạng mục Nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ bị chậm khoảng 2 tháng.

Trong đó, tiến độ thực hiện Gói thầu số 19 – thi công đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay là đường găng của Dự án.  Để đảm bảo đưa công trình vào khai thác đúng theo tiến độ ban đầu đặt ra, Bộ GTVT yêu cầu ACV chỉ đạo các nhà thầu nhà thầu tập trung tất cả các nguồn lực, triển khai công tác thi công trên hiện trường, khẩn trương có kế hoạch tăng cường nhân lực, máy móc để bù lại tiến độ bị chậm; khẩn trương lập lại tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, làm rõ khối lượng thi công từng ngày, từng tuần, từng tháng để có cơ sở kiểm điểm.

Tiến độ tổng thể, chi tiết sau khi được chủ đầu tư chấp thuận phải gửi báo cáo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên và Bộ GTVT để chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện trước 27/2/2023.

Hiện nay, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Điện Biên rất quan tâm đến thời gian đóng/mở cửa Cảng hàng không Điện Biên. Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu ACV phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam để xác định ngày đóng và mở cửa sân bay Điện Biên, đảm bảo thời gian đóng cửa ngắn nhất, ảnh hưởng ít nhất đến sự đi lại của người dân, báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Điện Biên thống nhất trước khi báo cáo Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT.

Đối với công trình nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ, Bộ GTVT đánh giá là công trình bị chậm khoảng 2 tháng và có khó hoàn thành vào tháng 8/2023 như kế hoạch.

Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu ACV khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công; lập chi tiết kế hoạch triển khai làm cở sở xác định thời gian đóng cửa sân bay. Ngoài ra, ACV phải chỉ đạo đơn vị thi công xây dựng công trình hàng rào an ninh khẩn trương lập tiến độ thi công tổng thể, tiến độ thi công chi tiết và biện pháp tổ chức thi công, huy động máy móc, thiết bị để khẩn trương thi công đáp ứng tiến độ.

Dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được khởi công từ tháng 1/2022, có tổng mức đầu tư 1.467,7 tỉ đồng, từ nguồn vốn của ACV với quy mô xây dựng đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và các máy bay tương đương.

Trong đó, các công trình do ACV làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành toàn bộ và đưa vào khai thác trước tháng 8/2023. Riêng các công trình do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành việc thi công trước tháng 2/2024 và hoàn thiện các thủ tục liên quan để đưa vào khai thác trước dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2024).

Phú Yên xin hỗ trợ 2.000 tỷ đồng thực hiện dự án đường ven biển

UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Dự án Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 có chiều dài khoảng 132,5 km. Trong đó, 45,5 km trùng với các tuyến Quốc lộ do Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) quản lý, khai thác.

Phần còn lại, trong những năm vừa qua, tỉnh Phú Yên đã nỗ lực huy động nhiều nguồn vốn đề đầu tư được một số đoạn trên tuyến nhưng nguồn lực có hạn nên việc đầu tư thông tuyến và hoàn thiện theo quy hoạch là hết sức khó khăn.

Cụ thể, tỉnh Phú Yên cần đầu tư hoàn thành tuyến đường ven biển, đoạn nối thị xã Sông Cầu – Tuy An và TP. Tuy Hòa với chiều dài khoảng 28k m, với tổng vốn đầu tư khoảng 6.728 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Phú Yên đã sử dụng vốn ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn khác và vay vốn ODA (WB) để triển khai khoảng 13,8km từ thị xã Sông Cầu đến huyện Tuy An (cầu An Hải), với tổng vốn đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng.

Phần còn lại 14,2 km (nối huyện Tuy An-TP. Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 3.428 tỷ đồng, tuy nhiên tỉnh chưa có nguồn vốn để triển khai đầu tư.

Theo UBND tỉnh Phú Yên, thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên (Thông báo số 20 ngày 3/2/2023 của Văn phòng Chính phủ) về đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch đã được duyệt, ngày 16/2/2023, HĐND tỉnh Phú Yên đã ban hành Nghị quyết số 01 về chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến đường ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối huyện Tuy An – TP. Tuy Hòa với tổng mức đầu tư 3.428 tỷ đồng.

Ngày 21/2, trong công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã báo cáo Thủ tướng xem xét hỗ trợ tỉnh 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án này.

 “Tỉnh Phú Yên cam kết sẽ giải ngân hết phần vốn hỗ trợ của Ngân sách Trung ương trong trong giai đoạn 2023-2025, đặc biệt là tập trung giải ngân trong năm 2025 và sẽ bố trí khoảng 1.428 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh (giai đoạn 2026-2027) để thực hiện đầu tư hoàn thành dự án”, UBND tỉnh Phú Yên cam kết.

Trước đó, trong Thông báo số 20 của Văn phòng Chính phủ, nội dung về đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư hoàn thiện Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận “nhất trí chủ trương sử dụng ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Phú Yên thực hiện dự án. Giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, đề xuất nguồn vốn phù hợp để hỗ trợ tỉnh thực hiện theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Được biết, UBND tỉnh Phú Yên cũng vừa có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ liên quan, báo cáo Thủ tướng xem xét hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng để tỉnh đầu tư xây dựng mới 4 dự án về lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai.

4 dự án này gồm Dự án Hồ chứa nước Sông Tha, huyện Sơn Hòa (650 tỷ đồng); Dự án Hồ chứa nước Phú Xuân 2, huyện Đồng Xuân (750 tỷ đồng); Dự án  Kè biển An Mỹ – An Chấn, huyện Tuy An (dài 2 km, 200 tỷ đồng) và Dự án Kè chống sạt lở dọc sông Kỳ Lộ, huyện Đồng Xuân (dài 4,8 km, 400 tỷ đồng).

Đầu tư 5.388 tỷ đồng xây 58,2 km đường song hành vành đai 4 qua Hà Nội

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ký Quyết định số 1072/QĐ –UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2.1: xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP. Hà Nội thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành qua địa phận TP. Hà Nội với tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2 km. Tuyến có điểm đầu – Km0+000 (tương ứng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai), thuộc địa phận xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn; điểm cuối tại Km58+200 ranh giới TP. Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, thuộc địa phận huyện Thường Tín.

Tuyến đi qua địa bàn 7 quận, huyện thuộc UBND TP. Hà Nội bao gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Phạm vi xây dựng đường song hành phải có chiều dài khoảng 51,61km, đường song hành trái có chiều dài khoảng 51,55km.

Đường song hành (đường đô thị) được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế 80km/h theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị. Riêng đoạn tuyến đi ngoài đê Song Phương (Km30+310-Km33+060) thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn đường phố chính thứ yếu, vận tốc thiết kế 60km/h theo tiêu chuẩn đường đô thị. Quy mô mặt cắt ngang (phân kỳ đầu tư giai đoạn 1) có nền đường rộng 12m.

Đối với các nút giao được dự kiến đầu tư xây dựng nút liên thông sẽ được đầu tư đồng bộ trong Dự án thành phần 3 (nút cao tốc Hà Nội – Lào Cai; trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ).

Các nút giao với các đường ngang là đường tỉnh, quốc lộ, trục chính đô thị hiện hữu khác có lưu lượng lớn tổ chức giao thông phức tạp trước mắt thiết kế nút giao bằng, điều khiển bằng đèn tín hiệu và vạch sơn, biển báo dẫn hướng đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.

Đối với các tuyến đường khác sẽ được vuốt nối thuận lợi với đường song hành hai bên tuyến và tổ chức quay đầu trong khoảng 1km một vị trí đối với các đoạn tuyến tổ chức giao thông một chiều.

Tổng mức đầu tư Dự án là 5.388 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 4.525 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách TP. Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Đơn vị này cũng phải lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án đầu tư, tuân thủ quy định, phù hợp với tiến độ triển khai hoàn thành dự án đầu tư theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 106/NQ- CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ; xây dựng, đăng ký và đề xuất nhu cầu vốn hàng năm cho dự án đầu tư đảm bảo đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. Chủ động nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành dự án đầu tư (trong đó có mô hình quản lý thông tin công trình (BIM)).

Đề xuất đầu tư 25.643 tỷ đồng xây cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá

UBND tỉnh Kiên Giang vừa có Tờ trình số 14/TTr – UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề xuất Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá có điểm đầu (Km0) giao với Quốc lộ 80 tại Km202+700 (nút giao Thuận Yên); điểm cuối tại Km 89+800, kết nối với cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Tổng chiều dài toàn tuyến là khoảng 86,65 km.

Dự án được xây dựng với quy mô 4 làn xe, mặt cắt nền đường rộng 24,75m; dự kiến có 7 nút giao với đường ngang với phương án nút hình kim cương, cầu vượt chính tuyến, Trumpet; hệ thống đường song hành (đường gom) có quy mô đường giao thông nông thôn.

Địa điểm xây dựng Dự án là TP. Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Hòn Đất, huyện Châu Thành và TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Diện tích sử dụng đất cho Dự án vào khoảng 634 ha, trong đó: Đất phi nông nghiệp 32 ha; đất nông nghiệp 537 ha; đất công cộng, giao thông, sông kênh không phải bồi thường 66 ha. Số hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất khoảng 3.064 hộ.

Tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá là 25.643 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.800 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 17.400 tỷ đồng… Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2023 đến năm 2027.

Việc hoàn thành tuyến cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá sẽ góp phần hình thành tuyến đường cao tốc trục ngang cùng với đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng kết nối với hai tuyến cao tốc trục dọc Bắc Nam phía Đông và cao tốc Bắc Nam phía Tây khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đảm bảo an ninh quốc phòng phía Tây Nam Tổ quốc.