Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC – mã CK: PVX) được thành lập từ năm 1983 với tên gọi là Xí nghiệp Liên hợp Xây lắp Dầu khí, đến năm 2005 được cổ phần hóa và chuyển thành CTCP Xây lắp Dầu khí với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Đến năm 2007, Xí nghiệp được đổi tên thành CTCP Xây lắp dầu khí, đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh trong vai trò Tổng giám đốc.
Trong BCTC năm 2019 đã được kiểm toán mới được công bố của PVC, kiểm toán viên còn từ chối đưa ý kiến vì “vướng” tới 11 vấn đề khiến Deloitte không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng để làm cơ sở đưa ra kết luận.
Khoản lỗ lũy kế đến năm 2019 khoảng 3.898,6 tỷ đồng, nợ phải trả vượt quá nợ ngắn hạn khoảng 563 tỷ đồng. Tổng công ty đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn số dư gốc vay khoảng 1.011,3 tỷ đồng. Các yếu tố này dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của tổng công ty. Kiểm toán không thể xác định được liệu BCTC hợp nhất kèm theo được lập với giả định PVC sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không.
Tiếp đó kiểm toán còn đưa ra hàng loạt vấn đề liên quan đến các công ty con của PVC như PVC-Land được hợp nhất vào PVX với tổng tài sản 1.124 tỷ đồng, nợ phải trả 1.110 tỷ đồng, lỗ sau thuế 6,9 tỷ đồng kiểm toán đã không thu thập được đủ bằng chứng về các số liệu BCTC của PVC-Land;
Tương tự đối với số liệu liên quan đến Petroland với tổng tài sản là 1.206,5 tỷ đồng, nợ phải trả là 403 tỷ đồng, LNST là 705 triệu đồng.
Tiếp đó đối với PVC-MS việc công ty này trích lập dự phòng ngắn hạn khó đòi đối với khoản phải thu từ BQL Dự án công trình DK I với số tiền 105 tỷ đồng là chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán.
Đối với khoản cho CTCP Khách sạn Lam Kinh vay 200 tỷ đồng và số dư dự phòng cho khoản phải thu này là 124,4 tỷ đồng tuy nhiên kiểm toán không thu được các bằng chứng tích hợp liên quan đến giá trị có thể thu hồi của khoản phải thu về cho vay này.
Đối với số dư hàng báo BĐS của PVC gồm công trình Chung cư thuộc Dự án khách sạn Dầu khí Thái Bình với số tiền 38,2 tỷ đồng, PVC chưa đánh giá được sự suy giảm giá trị cũng như chưa ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho này.
Đối với số dư chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 có giá gốc lần lượt là 240,5 tỷ đồng và 25,8 tỷ đồng. Tại ngày lập BCTC hợp nhất, PVC đang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét điều chỉnh giá trị phát sinh chưa lường hết của dự án nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và để nghiệm thu, quyết toán chi phí thực hiện tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 2.
Đối với các dự án đã tạm dừng thi công từ các năm trước là Khu đô thị Đại học Dầu khí và Dự án KCN Dầu khí Tiền Giang trị giá 5,7 tỷ đồng kiểm toán không thu thập được bằng chứng liên quan đến khả năng mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai của các dự án này.
PVC có một số khoản góp vốn vào đơn vị khác trị giá 49,7 tỷ đồng và trích dự phòng 18,2 tỷ đồng từ năm 2018 đến 2019. Tuy nhiên PVC chưa đáng giá được hết sự suy giảm giá trị của các khoản đầu tư này.
Liên quan đến số dư khoản đầu tư góp vốn của CTCP Dầu khí Đông Đô vào dự án Dolphin Plaza số tiền 37,1 tỷ đồng, kiểm toán không thu được bằng chứng xem có cần thiết trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này không do dự án Dolphin Plaza chưa bán được hết các căn hộ và chưa được quyết toán để phân chia kết quả đầu tư.
Cuối cùng PVC đã thực hiện hoàn nhập dự phòng nghĩa vụ nợ phải trả liên quan đến thư bảo lãnh cho PVC-SG vay vốn tại 01 tổ chức tín dụng với số tiền 99,9 tỷ đồng trong năm 2016. Tại ngày lập BCTC hợp nhất PVC vẫn đang làm việc với PVC-SG và tổ chức tín dụng để giải tỏa nghĩa vụ bảo lãnh.
Với tất cả các ý kiến nêu trên kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC năm 2019 của PVC. Ngoài ra vào năm 2017 và 2018 PVC đã thua lỗ liên tiếp, lần lượt lỗ 416 tỷ đồng năm 2017 và 414 tỷ đồng năm 2018. Theo đó tính cả năm 2019 số liệu đã kiểm toán, PVC đã có ba năm liên tiếp có lợi nhuận sau thuế âm. Đây là một trong các điều kiện khiến các doanh nghiệp phải hủy niêm yết bắt buộc theo Nghị định 58/2012.
Trên sàn niêm yết cổ phiếu PVX từ một Bluechips trên sàn HNX đã lao dốc không phanh và hiện đã rớt xuống mức giá không ai nghĩ tới 1.000 đồng – trong top cổ phiếu giá bèo nhất trên sàn hiện nay.
Năm 2009, Trịnh Xuân Thanh trở thành Chủ tịch HĐQT của PVC và doanh nghiệp này tiến hành niêm yết 150 triệu trên HNX. Thời kỳ này, với nhiều dự án tầm cỡ như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Ethanol Phú Thọ, Lọc dầu Nghi Sơn…đã giúp cổ phiếu PVC thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Năm 2010, PVC đã đạt doanh thu thuần 7.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ấn tượng với 742 tỷ đồng. Khi đó, giá cổ phiếu PVC lên tới 30.000 đồng và trở thành bluechip trên sàn HNX. Sau đó PVC tiếp tục tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng và trở thành một trong những Tổng công ty lớn nhất của PVN.
Năm 2010, PVC đã thành lập hàng chục công ty liên doanh, liên kết hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, xây lắp, vật liệu, bất động sản, tài chính… Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp này đều hoạt động kém hiệu quả, nhiều công ty con thua lỗ, phá sản. Kết quả, chỉ trong 2 năm 2012 – 2013, PVC đã lỗ tổng cộng hơn 3.000 tỷ đồng do trích lập dự phòng đầu tư tài chính, dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng các khoản vay bảo lãnh ngân hàng.
Sau khi lỗ lớn trong năm 2012 và 2013 những tưởng PVC sẽ hồi phục sau khi có lãi trở lại tuy nhiên sau đó lại báo lỗ tiếp trong 3 năm 2017, 2018, 2019. Tính đến 31/12/2019 lỗ lũy kế của PVC đã tăng lên gần 3.899 tỷ đồng, tương đương 97% vốn điều lệ.