Thông điệp này được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), diễn ra ngày 29/10.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo UBND TP.HCM thăm các gian hàng công nghệ cao tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập SHTP -Ảnh: Lê Quân |
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sau 20 năm hình thành và phát triển SHTP đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả thu hút đầu tư sau 20 năm đạt cả số lượng và chất lượng, sản phẩm có tính cạnh tranh toàn cầu.
Dù vậy, người đứng đầu chính quyền TP.HCM thẳng thắn thừa nhận, so với mục tiêu ban đầu SHTP cần nỗ lực hơn để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển vườn ươm công nghệ, trung tâm đào tạo nhân lực cao, hấp thụ và chuyển giao công nghệ cao, phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng tỷ lệ nội địa hóa…
Trước những hạn chế còn tồn tại, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, thời gian tới Thành phố sẽ hoàn thiện chiến lược phát triển SHTP trong giai đoạn mới. Trong đó, sẽ ban hành kế hoạch tái cơ cấu để chọn lọc những ngành, lĩnh vực thật sự là công nghệ cao như ngành vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và môi trường.
Để thu hút được các ngành công nghệ cao, thời gian tới Thành phố sẽ tập trung, hoàn thiện hạ tầng, pháp lý, tổ chức bộ máy của SHTP theo đúng như các tiêu chí quốc tế.
Từ kết quả đạt được của SHTP, TP.HCM sẽ mở rộng SHTP giai đoạn 2, với chức năng công viên sáng tạo mở. Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh rằng “Từ bài học của giai đoạn 1, khu công nghệ cao giai đoạn 2 không chỉ là nơi sản xuất mà còn là trung tâm tri thức, là khu đô thị sáng tạo mở, kết nối và mang tầm quốc tế”.
Là nhà đầu tư đã đầu tư và đang hoạt động tại SHTP, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT nhận định, SHTP TP.HCM đang sở hữu những tiềm năng để trở thành hạt nhân đưa TP.HCM trở thành trung tâm trí tuệ của khu vực, “viên ngọc xanh” của thế giới.
TP.HCM sẽ có cơ hội dẫn đầu thế giới về phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo AI, Blockchain, Metaverse, Cloud; nghiên cứu phát triển các công nghệ mới nhất về năng lượng sạch (gió, mặt trời…) cũng như các phương thức tích lũy năng lượng như hydro và các động cơ điện; các thế hệ xe năng lượng sạch thế hệ mới…
“Hy vọng các tập đoàn thế giới tiếp tục nhìn Việt Nam không phải nhân lực rẻ mà nhìn Việt Nam như một trung tâm đổi mới sáng tạo có nhiều người trẻ, hệ thống giáo dục tốt. Hãy đầu tư vào đây để xây dựng các công nghệ mới tại Việt Nam”, ông Bình nói.
Sản xuất chip của Công ty Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: Lê Toàn |
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cho rằng SHTP TP.HCM cần kiến tạo các ngành công nghiệp mới cho quốc gia, đầu tàu về nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo.
Để thực hiện được mục tiêu này SHTP cần mạnh dạn đề xuất cơ chế đặc thù để nâng cao chất lượng và phát triển bền vững nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động công nghệ cao.
Ông cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện dự thảo nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ một số vướng mắc về chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao.
Nhiều dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao như Intel, Jabil (Mỹ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia)…đã đến đầu tư tại khu công nghệ cao.
Giá trị sản xuất của SHTP tính đến nay đạt 120 tỷ USD, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM), dự kiến kim ngạch xuất khẩu của SHTP đạt 23 tỷ USD trong năm nay.