Dịch bệnh đã làm đảo lộn quá trình sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh |
Kinh tế chịu ảnh hưởng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã “tác động tiêu cực khá mạnh” đến hoạt động sản xuất công nghiệp.
Cụ thể, tính chung 2 tháng đầu năm 2020, Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Cũng do dịch bệnh, trong 2 tháng qua, có gần 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vì Covid-19, cộng thêm việc tháng 2 là tháng sau Tết Nguyên đán, nên một số nhà thầu chậm triển khai thi công. Đồng thời, thông thường, do các tháng đầu năm, hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, nên theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm đạt không cao so với kế hoạch năm 2020 (8,3%).
Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 2 cũng không sôi động như những tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 7,9% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, mức tăng của chỉ số này sau khi trừ yếu tố tăng giá chỉ là 5,4%, thấp nhất so với 2 tháng đầu năm của các năm từ 2014 trở lại đây và thấp hơn khá nhiều do với mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm 2019.
Cùng trong tình trạng giảm sâu là du lịch. Theo số liệu thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 (từ ngày 21/1 đến 20/2) ước tính chỉ đạt hơn 1,24 triệu lượt người, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tính chung 2 tháng, khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đạt 3,2 triệu lượt người, nhờ phần “bù đắp” trong tháng 1, nên vẫn tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, song đây là mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm từ 2016 trở lại đây.
Cũng có xu hướng tăng là kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng qua, với 74 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ, chủ yếu là do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm mới S20. Tuy nhiên, nếu so kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của 2 tháng cuối năm ngoái (đạt gần 89 tỷ USD) với 2 tháng đầu năm nay, có thể thấy rõ sự sụt giảm.
Cần biện pháp hỗ trợ
Những tác động của dịch bệnh Covid-19 tới kinh tế Việt Nam là rất rõ. Theo ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình hình những tháng sau có thể còn khó khăn hơn, nhất là khi dịch bệnh đang lan rộng trên toàn cầu.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dịch bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến một số ngành, địa phương, mà còn làm đảo lộn quá trình sản xuất của doanh nghiệp. “Vì thế, đã đến lúc, phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương chịu tác động nặng nề của dịch bệnh”, ông Cung nói và cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ, việc Thủ tướng Chính phủ vẫn nhất quán quan điểm “không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng” buộc chúng ta phải tìm dư địa để bù đắp cho 1 điểm phần trăm tăng trưởng dự báo sẽ bị sụt giảm bởi dịch Covid-19.
“Phải tăng thêm cầu thông qua tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, rồi kích cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, ở phía cung, phải cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ rào cản khi thông quan hàng hóa, làm sao thúc đẩy sản xuất”, ông Cung đề xuất.
Đây là thách thức rất lớn, bởi thực tế, theo nhận định của ông Bùi Tất Thắng, bản chất của những tác động của dịch bệnh lần này chính là làm “ngừng” dòng chảy lưu thông hàng hóa, sản xuất.
Trước thực tế trên, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế. “Theo tính toán của chúng tôi, mỗi tháng Việt Nam sẽ mất khoảng 5% GDP của tháng đó. Nếu kéo dài lâu, thì việc GDP năm 2020 bị giảm 1,4 điểm phần trăm là điều có thể hình dung được”, vị này nói.
Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, một trong những biện pháp Việt Nam cần thực hiện là kích cầu thông qua chính sách tài khóa. Điều này được hiểu là, không nhất thiết phải chi tiêu nhiều hơn, nhưng cần hiệu quả hơn và nhanh hơn. Đồng thời, áp dụng các công cụ thuế, như giãn, hoãn thời gian nộp thuế để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhắc đến các chính sách hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, như giảm lãi suất, không tăng giá điện; đồng thời thực hiện các biện pháp kích thích tiêu dùng, tìm kiếm các thị trường khác để tránh phụ thuộc vào một thị trường và đặc biệt là, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm ở nhiều địa phương
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người tiêu dùng hạn chế đến nơi công cộng mua sắm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm mạnh ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là những tỉnh xưa nay có nhiều khách du lịch Trung Quốc.
Đặc biệt, hoạt động vận tải trong tháng 2 đã giảm sâu so với tháng trước và so với cùng kỳ năm. Vận tải hành khách tháng 2 ước tính chỉ đạt 400,1 triệu lượt, giảm 15,8% so với tháng trước.