Thời gian hoàn vốn dài
Chưa đầy 2 tháng sau khi được Thủ tướng Chính phủ tiến hành điều chỉnh chủ trương đầu tư, mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Tờ trình số 325/TTr-UBND đề nghị Hội đồng Thẩm định liên ngành xem xét, tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
Đây là bước tiến quan trọng trong công tác chuẩn bị đầu tư mà UBND tỉnh Cao Bằng cần phải hoàn tất, trước khi có thể bắt tay khởi động các công việc tiếp theo như lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng… cho việc xây dựng tuyến cao tốc vành đai biên giới đầu tiên ở khu vực Đông Bắc.
Trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, UBND tỉnh Cao Bằng, trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đã bám rất sát Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Theo đó, tuyến cao tốc có chiều dài 121,06 km, trong đó đoạn qua tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km và qua địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 69,06 km.
Trong giai đoạn I, Dự án sẽ đầu tư trước 93,35 km, từ Km0 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đến Km 93+350 là điểm giao với Quốc lộ 3, thuộc địa phận huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, giai đoạn này sẽ chỉ đầu tư bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17 m với khoảng 24% chiều dài toàn tuyến; các đoạn còn lại sẽ đầu tư với bề rộng nền đường 13,5 m.
Theo tính toán, tổng mức đầu tư giai đoạn I của Dự án là 14.127,948 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 6.580 tỷ đồng, phần còn lại sẽ do nhà đầu tư tự huy động bằng vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Cũng tại Tờ trình số 325/TTr-UBND, những thông số đầu vào sử dụng trong phương án tài chính của Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn I – thông tin quan trọng bậc nhất dành cho các nhà đầu tư – đã lộ diện chính xác hơn.
Cụ thể, lợi nhuận vốn chủ sở hữu (không tính trong thời gian xây dựng) và lãi suất vốn vay, vốn huy động khác tại giai đoạn I của Dự án đều được UBND tỉnh Cao Bằng ấn định ở mức 13,5%. Giá vé khởi điểm trên tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, bắt đầu từ năm 2026 được chia làm 5 nhóm 2.100 – 3.000 – 3.700 – 6.000 – 8.100 (đồng/km), định kỳ 3 năm điều chỉnh tăng 15%/lần.
Nếu số liệu dự báo nhu cầu giao thông trên tuyến là chính xác, thì giai đoạn I của Dự án có thời gian hoàn vốn là 29 năm 1 tháng. Đây là thời gian hoàn vốn tương đối dài so với mặt bằng chung của các tuyến đường bộ khác được thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, sau khi có kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước đối với Dự án để lựa chọn nhà đầu tư.
Nhận diện rủi ro
Trong Tờ trình số 325/TTr-UBND, UBND tỉnh Cao Bằng đã nhận diện ít nhất 11 rủi ro có thể ảnh hưởng đến phương án tài chính của Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn I, trong đó đáng kể nhất là nguy cơ chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, trong giải ngân phần vốn của Nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng, xây lắp và rủi ro về lưu lượng giao thông…
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả – đơn vị lập đề xuất dự án cho rằng, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là công trình đường bộ có tổng mức đầu tư rất lớn, nhưng lưu lượng thấp. Mặc dù cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiết giảm hơn 50%, từ 47.000 tỷ đồng xuống còn khoảng 22.000 tỷ đồng cho cả 2 giai đoạn, nhưng đây vẫn là tổng mức đầu tư rất lớn.
Trong khi đó, tại Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn I, phần vốn nhà nước chỉ được tham gia tối đa 50%. Trên thực tế, tại một số dự án triển khai trước khi có Luật PPP, phần vốn nhà nước tham gia là trên 50%, thời gian thu hồi vốn ngắn (chỉ 16 – 17 năm), như Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết…, nhưng vẫn không thực hiện được, phải chuyển sang đầu tư công.
Khó khăn tiếp theo là thủ tục đầu tư Dự án đã kéo dài hơn 4 năm qua kèm theo nhiều thay đổi. Thời điểm đề xuất dự án (năm 2019), các điều kiện tài chính, cổ phiếu, trái phiếu, tín dụng, bất động sản thuận lợi hơn rất nhiều so với điều kiện hiện nay, khiến việc huy động vốn tín dụng cho Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn I vẫn đang là một ẩn số lớn.
Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, để lưu lượng xe tăng trưởng như phương án tài chính, thì điều kiện tiên quyết là tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh phải nối được mạch với tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông thông qua tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng dài 35 km do UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Nếu 2 đoạn tuyến này không hoàn thành cùng thời điểm, phương án tài chính đối tuyến cao tốc vùng biên này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả phân tích.