Chứng nhận đầu tư 4 dự án 15.000 tỷ đồng; Giảm 3.700 tỷ đồng của 21 dự án

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

TP.HCM giải ngân 8.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 trước ngày 30/6 

Huyện Củ Chi và Hóc Môn là hai đơn vị đầu tiên chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3, TP.HCM. Dự kiến hơn 8.000 tỷ đồng sẽ được chi trả trước ngày 30/6.

Từ ngày 5 đến 7/5, huyện Hóc Môn và Củ Chi, TP.HCM đồng loạt chi trả đợt 1 tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân phải di dời để nhường mặt bằng xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố.

Người dân huyện Hóc Môn làm thủ tục nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3, TP.HCM. Ảnh: Lê Quân
Người dân huyện Hóc Môn làm thủ tục nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3, TP.HCM. Ảnh: Lê Quân

Đường Vành đai 3, đoạn đi qua TP.HCM phải giải phóng mặt bằng hơn 412 ha với 1.738 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong đó, TP.Thủ Đức 595 trường hợp, Củ Chi 418 trường hợp, Hóc Môn 332 trường hợp, Bình Chánh 393 trường hợp.

Số tiền phải chi cho giải phóng mặt bằng tại huyện Hóc Môn là 2.338 tỷ đồng, huyện Củ Chi là 2.671 tỷ đồng, TP.Thủ Đức là 8.283 tỷ đồng, huyện Bình Chánh là 4.829 tỷ đồng.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM  (chủ đầu tư) cho biết, từ nay đến trước ngày 30/6, Thành phố sẽ giải ngân hơn 8.000 tỷ đồng cho bồi thường giải phóng mặt bằng và 2.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án.

“Với số vốn giải ngân lớn và diễn ra trong thời gian ngắn là một thách thức rất lớn đối với chủ đầu tư và các quận, huyện”, ông Phúc cho biết.

Trước đó, ngày 25/4, UBND TP.HCM đã có Quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị thu hồi đất để làm Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Theo Quyết định được UBND TP.HCM phê duyệt thì mức bồi thường cao nhất lên đến 73,3 triệu đồng/m2 được bồi thường ở một số vị trí tại TP. Thủ Đức.

Tại huyện Bình Chánh, giá đền bù từ 14 triệu đồng/m2 đến 42,6 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí và theo loại đất. Hai huyện Hóc Môn và Củ Chi mức giá đền bù từ 19,5 triệu đồng/m2 đến 35,6 triệu đồng/m2 (tùy theo vị trí và theo loại đất).

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM đến ngày 15/6 sẽ bàn giao 70% mặt bằng để khởi công dự án vào ngày 30/6.  

Lâm Đồng đề xuất 440 tỷ đồng sửa chữa công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, qua rà soát trước mùa mưa lũ năm 2023, trên địa bàn tỉnh hiện có 66 công trình hư hỏng, xuống cấp chưa được nâng cấp, sửa chữa gây nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn công trình, tính mạng và tài sản nhân dân vùng hạ du, trong đó có 57 công trình chưa xác định được nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa.

Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng Bến số 7, số 8 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Cảng biển Hải Phòng. Ảnh: Thanh Sơn
Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng Bến số 7, số 8 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Cảng biển Hải Phòng. Ảnh: Thanh Sơn

Mặc dù đã được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục có các văn bản nhắc nhở, đôn đốc triển khai thực hiện công tác quản lý an toàn hồ đập nhưng đến nay, việc triển khai thực hiện chưa đảm bảo tiến độ do các địa phương, đơn vị hiện còn khó khăn về kinh phí thực hiện các nội dung này.

Để đảm bảo an toàn hồ đập, tính mạng và tài sản của nhân dân ở hạ du, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch số 1620/KHUBND ngày 15/3/2022 của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Trong đó kinh phí để sửa chữa, nâng cấp công trình bị hư hỏng xuống cấp là 440 tỷ đồng; kinh phí để nâng cao năng lực quản lý vận hành công trình và thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập hồ chứa là 98 tỷ đồng.

Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt 56 phương án bảo vệ công trình hồ đập. Hiện các địa phương, đơn vị đang tiếp tục lập và trình thẩm định, phê duyệt đối với các công trình còn lại.

Sau khi phương án bảo vệ được phê duyệt, các đơn vị quản lý công trình đã bố trí lực lượng, triển khai thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn công trình, báo cáo định kỳ và đột xuất kết quả triển khai thực hiện theo đúng phương án được phê duyệt.

Hải Phòng trao chứng nhận đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn gần 15.000 tỷ đồng

Ban Quản lý Khu kinh tế đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng Bến số 7, số 8 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Cảng biển Hải Phòng và 3 dự án thứ cấp trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế Hải Phòng.

Dự án đầu tư xây dựng Bến số 7, số 8 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Cảng biển Hải Phòng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Thành Chung
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Thành Chung

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 12.792,64 tỷ đồng, xây dựng 2 bến container với tổng chiều dài 900 m (mỗi bến dài 450 m). Bến có thể tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000 Teus hoặc đến 18.000 Teus với công suất hàng qua cảng dự kiến khoảng 1,9 triệu teus/năm; sử dụng khoảng 600 lao động. Ngoài ra, còn có 1 bến sà lan dài 200 m, tiếp nhận tàu sức chở 160 Teus cùng với hệ thống thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa, công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện.

Dự án có quy mô sử dụng đất, mặt nước khoảng 79,86 ha (bao gồm khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải khoảng 22,332 ha).

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: “Năm 2018, 2 bến khởi động số 1, 2 của Khu bến cảng Lạch Huyện đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Các bến số 3, 4, 5, 6 cũng đã được khởi công, đang triển khai đầu tư xây dựng, phấn đấu đưa vào khai thác vận hành từ cuối năm 2024.

Việc đầu tư bến số 7, 8 Cảng Lạch Huyện sẽ nối dài khu bến cảng Lạch Huyện, phục vụ trực tiếp cho Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu. Đồng thời, việc đầu tư Bến số 7, số 8 cũng hoàn thiện Khu bến cảng Lạch Huyện trở thành cảng cửa ngõ quốc tế, tiếp tục góp phần nâng cao năng lực hàng hóa của cảng biển Hải Phòng, khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế, làm bệ đỡ để Hải Phòng phát triển đột phá”.

Ông Nguyễn Năng Toàn, Chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cam kết: “Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chúng tôi sẽ huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả, phấn đấu khởi công vào cuối năm 2024 và hoàn thành đưa vào khai thác từ quý IV/2027. Đây là một minh chứng rõ nét khẳng định việc đầu tư tại thành phố Hải Phòng là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển để trở thành Tập đoàn kinh tế tế quốc phòng hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế biển của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn”.

Cũng tại Hội nghị này, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án thứ cấp trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế Hải Phòng. Đó là Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng Starcharge của Nhà đầu tư Starcharge Energy Pte.Ltd. (Singapore) tại KCN DEEP C Hải Phòng II. Dự án sẽ cung cấp các sản phẩm trạm sạc xe điện một chiều và trạm sạc xe điện xoay chiều, thiết bị lưu trữ điện với công suất thiết kế 273.000 sản phẩm/năm, 100% xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư là 330,96 tỷ đồng (tương đương 14 triệu USD), quy mô sử dụng đất 1,4ha. Dự kiến hoàn thành xây dựng quý I/2024 và vận hành chính thức từ quý II/2024.

Dự án thứ 2 là dự án HW Energy của nhà đầu tư HW International Investment Holdings Pte.Ltd. tại KCN DEEP C Hải Phòng II, có mục tiêu sản xuất pin alkaline và pin kẽm-cabon với công suất 34 tấn sản phẩm/năm, xuất khẩu 100%. Tổng vốn đầu tư hơn 1.161,95 tỷ đồng (tương đương 49,55 triệu USD) trên diện tích đất 5,5 ha. Dự kiến khởi công trong quý IV/2023, hoàn thành xây dựng quý III/2024 và vận hành chính thức từ quý I/2025.

Dự án cuối cùng được trao là dự án Thingking Electronics Việt Nam của nhà đầu tư Thinking Electronic Industrial Co., Ltd tại KCN Nam Cầu Kiền, sản xuất linh kiện điện tử với tổng vốn đầu tư đạt 633,663 tỷ đồng (tương đương 27 triệu USD), quy mô sử dụng đất 4 ha.

“Các dự án thứ cấp thuộc lĩnh vực điện tử, năng lượng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hôm nay có ý nghĩa quan trọng nhằm chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và các sự kiện lớn trong năm 2023 của đất nước và thành phố. Cùng với kết quả thu hút đầu tư trong những năm qua luôn ở trong top đầu của cả nước đã khẳng định thành phố đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước trong phát triển kinh tế – xã hội. Đây cũng là cơ sở xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng theo đúng định hướng Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đề ra”, ông Kiên nhấn mạnh.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, 5 tháng đầu năm 2023, các KCN, KKT thu hút 17 dự án FDI cấp mới và 9 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn. Tổng vốn thu hút đạt 498,55 triệu USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm trước; thu hút 02 dự án DDI và 04 dự án DDI tăng vốn, tổng vốn thu hút đạt 46,58 triệu USD. 
Lũy kế đến nay, các KCN, KKT trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã thu hút được 477 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 23,351 tỷ USD và 205 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 12,631 tỷ USD.

Hải Dương điều chỉnh giảm gần 3.700 tỷ đồng của 21 dự án

Chiều 9/5, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và phân bổ vốn năm 2023 lần 3.

Đây là kỳ họp chuyên đề thứ 2 được HĐND tỉnh Hải Dương tổ chức từ đầu năm đến nay.

HĐND tỉnh xem xét 10 tờ trình của UBND tỉnh về nhiều nội dung quan trọng như một số nội dung điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; xem xét điều chỉnh giảm, giãn tiến độ đầu tưcông để tập trung nguồn lực đầu tư 4 trục giao thông kết nối quan trọng của tỉnh; cơ chế tạo nguồn cho các địa phương để đầu tư các Dự án trọng điểm giao cấp huyện làm chủ đầu tư. Đây là một trong những nội dung có ý nghĩa chiến lược để thực hiện đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối của nhiệm kỳ của tỉnh.

Tại kỳ họp, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị giảm gần 1.300 tỷ đồng của 7 dự án dư vốn. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, đề án khác đã được phê duyệt giảm 476,9 tỷ đồng. Phân kỳ thực hiện giai đoạn 2021-2025 của 2 Dự án Xây dựng Trung tâm hành chính công tỉnh (giảm 400 tỷ đồng) và Dự án Xây dựng Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao thuộc Khu liên hợp văn hóa thể thao tỉnh (giảm 350 tỷ đồng). Có 4 dự án khác được đề nghị giảm gần 53,6 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Xây dựng Trạm bơm Chu Đậu, huyện Nam Sách giảm hơn 53,5 tỷ đồng.

UBND tỉnh Hải Dương cũng đề nghị giảm hết kế hoạch vốn gần 2.000 tỷ đồng của 14 dự án khởi công mới. Trong đó, giảm gần 1.800 tỷ đồng của 11 dự án khởi công mới dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể là 3 dự án xây dựng một số khu nhà ở Trung tâm y tế các huyện Tứ Kỳ (27,8 tỷ đồng), Gia Lộc (52 tỷ đồng), Ninh Giang (41 tỷ đồng); Dự án Cải tạo, sửa chữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh (20 tỷ đồng); Dự án Xây dựng Bệnh viện Mắt (372,1 tỷ đồng); xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền (332,9 tỷ đồng); xây dựng cầu An Đồng và đường dẫn (417,6 tỷ đồng)…

Bên cạnh đó, 3 dự án khởi công mới dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025 cũng được đề nghị giảm 631,1 tỷ đồng, gồm các dự án: Xây dựng tuyến đường và cầu Vạn kết nối quốc lộ 37, TP. Chí Linh với đường dẫn cầu Triều, thị xã Kinh Môn (231,1 tỷ đồng); xây dựng Bệnh viện Phục hồi chức năng (200 tỷ đồng); đường gom dọc quốc lộ 5 phải tuyến từ ngã tư Ghẽ đi ngã tư Lai Cách, các đoạn còn lại và từ khu đô thị thương mại Lai Cách đến hết Công ty cổ phần Giầy Cẩm Bình bên trái tuyến (200 tỷ đồng).

Những nội dung trên đã được Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương cơ bản nhất trí với nguyên tắc, phương án rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn 5 năm nguồn ngân sách địa phương; giãn, hoãn tiến độ của 21 dự án với số tiền gần 3.700 tỷ đồng do các dự án chưa đủ cơ sở để lập đề xuất chủ trương đầu tư, khó có khả năng thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Bộ GTVT thúc tiến độ Dự án PPP cao tốc Bắc – Nam, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Ban Quản lý Dự án 6; Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) yêu cầu khẩn trương thực hiện đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt.

Theo Bộ GTVT, các dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đang được bộ này quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện hoàn thành đáp ứng kế hoạch, trong đó có Dự án thành phần đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt (theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong tháng 5/2024.

Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT đã có nhiều cuộc kiểm tra hiện trường và có nhiều văn bản chỉ đạo nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai. Tuy nhiên hiện nay tiến độ thực hiện Dự án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Cụ thể, giá trị sản lượng Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt hiện chỉ đạt khoảng 2.994,6/8.595,1 tỷ đồng đạt 34,8% hợp đồng, chậm 1,56% so với tiến độ điều chỉnh lần 3 (chậm 12,41% so với tiến độ điều chỉnh lần 2).

Để đảm bảo mốc thời gian hoàn thành, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp yêu cầu các nhà thầu thi công khẩn trương huy động bổ sung thiết bị, nhân lực và các nguồn lực khác (đặc biệt là nguồn lực tài chính); chỉ đạo bổ sung các mũi thi công làm tăng ca để bù lại các khối lượng đã bị chậm, đặc biệt phải có giải pháp khả thi, hiệu quả đối với các hạng mục là đường găng của dự án như: hạng mục xử lý nền đất yếu, thi công hầm Thần Vũ, cầu Hưng Đức, cầu Xuân Dương 2 và một số hạng mục cầu vượt trên tuyến chưa triển khai thi công…

Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án phải kiểm soát tiến độ thực hiện hàng tuần, hàng tháng đối với từng gói thầu, từng nhà thầu, từng mũi thi công, kịp thời xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ theo đúng quy định của hợp đồng; đồng thời chỉ đạo các nhà thầu thi công không được chủ quan, lơ là, tập trung nguồn lực về tài chính, nhân lực, thiết bị, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để triển khai thi công “3 ca, 4 kíp” liên tục theo đúng kế hoạch tiến độ đã được doanh nghiệp dự án chấp thuận.

Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án 6 phối hợp với Cục Đường cao tốc Việt Nam rà soát, đánh giá toàn bộ kế hoạch, tiến độ chi tiết của Dự án trong hợp đồng BOT, đối chiếu với kế hoạch tiến độ thực tế hiện nay và các quy định của hợp đồng BOT, tham mưu Bộ GTVT các giải pháp xử lý, tuân thủ đúng quy định của hợp đồng BOT (hoàn thành trong tháng 5/2023).

Hai đơn vị trực thuộc Bộ GTVT có trách nhiệm quản lý, kiểm soát chặt chẽ hợp đồng BOT, kịp thời báo cáo, đề xuất Bộ GTVT xem xét, xử lý các vi phạm quy định của hợp đồng BOT.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt được triển khai theo hình thức PPP, dài 49,3 km, có tổng mức đầu tư 11.157,82 tỷ đồng.

Dự án được khởi công tháng 5/2021, theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành vào tháng 5/2024. Các nhà đầu tư được lựa chọn triển khai dự án là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp – Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 – Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng – Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2.

Tập đoàn SMC muốn mở rộng đầu tư vào Đồng Nai 

Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ngày 9/5, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã làm việc với Tập đoàn SMC (Nhật Bản) về việc mở rộng đầu tư tại địa phương. 

Tại buổi làm việc, đại diện của Tập đoàn SMC mong muốn được biết những chính sách thu hút đầu tư mới của tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới để phục vụ cho việc lên kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.

Nhà máy của Tập đoàn SMC tại Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai
Nhà máy của Tập đoàn SMC tại Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai

Thông tin về định hướng thu hút đầu tư, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, định hướng thu hút đầu tư trong những năm tới của tỉnh là chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, chuyển hướng thu hút công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, đặc biệt những Dự án công nghệ cao sử dụng ít lao động.

Ông Nguyên cho biết, để thu hút được các doanh nghiệp công nghệ cao, Đồng Nai đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng biển để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Đồng Nai đang chú trọng đào tạo lao động để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao.

Trong khi đó, Tập đoàn SMC đang đầu tư sản xuất thiết bị khí nén để cung cấp sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp tự động hóa là phù hợp với ngành nghề và định hướng thu hút đầu tư mà tỉnh Đồng Nai đã đề ra.

Trao đổi thêm về việc đầu tư hạ tầng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, trong quy hoạch tổng thể giao thông khu vực phía Nam và Đông Nam bộ, cảng Cái Mép- Thị Vải và sân bay Long Thành sẽ là các dự án trọng tâm để vận chuyển hàng hóa đi thẳng các nước châu Âu và Mỹ.

Hiện nay, Chính phủ đang thúc đẩy xây dựng các tuyến đường cao tốc cho vùng Đông Nam bộ và lấy Long Thành làm trung tâm của các nút giao đường cao tốc. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định, thời gian tới Đồng Nai sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng, chuẩn hóa các khu công nghiệp để phục vụ nhà đầu tư ngày một tốt hơn.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sẵn sàng lắng nghe những vấn đề doanh nghiệp phản ánh để cùng hợp tác, thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp.

Được biết, hiện nay Tập đoàn SMC đã đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị khí nén tại Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai với diện tích 26 ha để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp tự động hóa.

Việc các tập đoàn lớn của Nhật Bản quan tâm đầu tư mở rộng vào Đồng Nai đã cho thấy tiềm năng của địa phương này trong việc thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ.  Tính đến cuối năm 2022, Nhật Bản có 251 dự án đầu tư vào Đồng Nai với tổng vốn đăng ký là 5,1 tỷ USD.

Vĩnh Long đầu tư hơn 311 tỷ đồng thực hiện 2 dự án hạ tầng giao thông

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt vừa ký ban hành Quyết định số 1053/QĐ-UBND, ngày 8/5/2023 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 903 (đoạn từ vòng xoay ngã 5 thị trấn Cái Nhum đến Đường tỉnh 902), huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Việc đầu tư xây dựng Dự án nhằm góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, đảm bảo xe tải trọng lớn lưu thông, nâng cao chất lượng khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, tạo sự kết nối liên thông với Quốc lộ 53, Đường tỉnh 902 với đường huyện và các đường liên xã, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh của địa phương.

Vòng xoay thị trấn Cái Nhum, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long
Vòng xoay thị trấn Cái Nhum, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long

Dự án Nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 903 (đoạn từ vòng xoay ngã 5 thị trấn Cái Nhum đến Đường tỉnh 902), huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long có điểm đầu giao vòng xoay ngã 5 thị trấn Cái Nhum, điểm cuối giao với Đường tỉnh 902 tại Km19+670 thuộc xã An Phước, huyện Mang Thít, với tổng chiều dài tuyến đường khoảng 3,78 Km, tải trọng thiết kế trục đơn 10 tấn, cao độ thiết kế tối thiểu tại mép mặt đường là +2,43 m.

Về quy mô đầu tư, đối với hạng mục đường, tận dụng nền mặt đường hiện trạng, mặt cắt ngang thiết kế đường sau khi nâng cấp, mở rộng có bề rộng nền đường 12 m. Trong đó, mặt đường bê tông nhựa nóng rộng 9 m, lề đường mỗi bên rộng 1,5 m.

Đối với hạng mục cầu Đìa Môn, tải trọng khai thác HL93, không đầu tư mở rộng cầu, thay khe co giãn và thảm bê tông nhựa nóng mặt cầu dày 5 cm.

Ngoài ra, Dự án còn đầu tư hệ thống cống thoát nước, vỉa hè, chiếu sáng, cây xanh và hệ thống an toàn giao thông theo quy định. Riêng hệ thống chiếu sáng đầu tư 1 bên toàn tuyến dự án.

Dự án có tổng mức đầu tư 211.427.046.845 đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Địa điểm thực hiện tại thị trấn Cái Nhum và xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long; diện tích sử dụng đất khoảng 68.040 m2 .

Cùng ngày, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành Quyết định số 1052/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư công trình cầu Đình Đôi, xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Dự án nhằm đảm bảo kết nối giao thông giữa xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh.

Dự án có điểm đầu giao với Đường tỉnh 907 tại Km48+350, xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối giao với Đường huyện 37, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

Quy mô đầu tư gồm: Phần cầu được xây dựng mới bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu, với chiều dài khoảng 133 m, tải trọng thiết kế HL.93. Khổ cầu là 8m=(0,5+7,0+0,5), trong đó 7 m là chiều rộng thông xe; 0,5 m là gờ chắn lan can mỗi bên, tĩnh không thông thuyền phù hợp với lưu thông thủy tại vị trí sông và các cầu, cống lân cận trên cùng tuyến sông khu vực.

Phần đường vào cầu được thiết kế với chiều dài khoảng 561 m, trong đó phía huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long chiều dài khoảng 365 m và phía huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh chiều dài khoảng 196 m, mặt đường láng nhựa rộng 7 m, lề đường mỗi bên rộng 1 m.

Bố trí đường dân sinh phía tỉnh Vĩnh Long và phía tỉnh Trà Vinh. Ngoài ra dự án còn đầu tư hệ thống cống thoát nước, chiếu sáng, hệ thống an toàn giao thông, hạ tầng kỹ thuật… theo quy định.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, từ vốn ngân sách địa phương (không bao gồm kinh phí bồi hoàn giải phóng mặt bằng phía tỉnh Trà Vinh).

Cả 2 Dự án nêu trên đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, có thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2025.

Bình Định còn 11 đơn vị chưa giải ngân đồng vốn đầu tư công nào

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định vừa cho biết, đến ngày 4/5/2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 2.160.959 triệu đồng, đạt 22,67% (kế hoạch vốn được giao thực hiện năm 2023 là 9.521.527 triệu đồng). Trong đó, vốn ngân sách tỉnh có giá trị giải ngân là 1.178.519 triệu đồng (đạt 17,34%, kế hoạch là 6.796.548 triệu đồng); vốn ngân sách trung ương có giá trị giải ngân là 982.440 triệu đồng (đạt 35,92%, kế hoạch 2.734.979 triệu đồng).

Tính đến ngày 4/5/2023, Dự án Đường ven biển đoạn Cát Tiến – Diêm Vân đã giải ngân được 88.344 đồng, đạt 25,24% trong kế hoạch vốn Trung ương giao năm 2023 là 350.000 triệu đồng (vốn Trung ương phân bổ thực hiện Dự án là 1.800 tỷ đồng).
Tính đến ngày 4/5/2023, Dự án Đường ven biển đoạn Cát Tiến – Diêm Vân đã giải ngân được 88.344 đồng, đạt 25,24% trong kế hoạch vốn Trung ương giao năm 2023 là 350.000 triệu đồng (vốn Trung ương phân bổ thực hiện dự án là 1.800 tỷ đồng).

Trong đó, một số dự án sử dụng vốn Trung ương (trong nước) có tỷ lệ giải ngân dưới 10% như Dự án Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại (đạt 6,67%); Dự án Tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ (đạt 0,6%); Dự án Xây dựng tuyến đường tránh phía nam thị trấn Phú Phong (7,03%).

Ngoài ra, một số dự án chưa giải ngân (tỷ lệ 0%) như Dự án Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn phần mở rộng (kế hoạch vốn 50 tỷ đồng); Dự án Đầu tư, xây dựng các Trường THPT được di chuyển, sắp xếp lại theo quy hoạch giai đoạn 2021-2025 (hạng mục Trường THPT Nguyễn Hữu Quang, Trường THPT Phan Bội Châu, kế hoạch vốn 35 tỷ đồng).

Về vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các Dự án của ngành y tế (khởi công mới) có tỷ lệ giải ngân khá thấp 1,32%. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp 5 Trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh Bình Định có kế hoạch vốn năm 2023 giao là 166 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 2,193 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, vốn đầu tư công do tỉnh quản lý năm 2023 được phân bổ cho 44 đơn vị thực hiện (gồm 33 đơn vị thuộc tỉnh, 11 đơn vị là UBND huyện thị xã, thành phố). Trong đó, có 17 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân 22,67%; 16 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân và 11 đơn vị thuộc tỉnh (có 5 sở) chưa có giá trị giải ngân.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, nguyên nhân chủ yếu khiến việc giải ngân vốn đầu tư công của một số đơn vị còn thấp là do năng lực của các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, thiết kế còn hạn chế; công tác đấu thầu, thẩm định phòng cháy chữa cháy, bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài. Ngoài ra, có một số dự án liên quan đến các nhà tài trợ phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.

Tại chỉ thị đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đặt mục tiêu giải ngân giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý II/2023 đạt trên 40%, hết quý III/2023 đạt trên 60%; đến hết quý IV/2023 đạt trên 90%. Đến hết ngày 31/1/2024, tỉnh Bình Định phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2023.

Đà Nẵng xây dựng gói hỗ trợ linh hoạt để thu hút dự án đầu tư lớn

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh vừa ký quyết định yêu cầu các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030.

Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng đã thu hút được nhiều Dự án đầu tư nước ngoài.
Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Trung Chinh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng chịu trách nhiệm xây dựng các gói hỗ trợ đầu tư linh hoạt để thu hút các Dự án đầu tư lớn, có tác động lan tỏa, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng và Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thường xuyên rà soát các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả… để trình cấp có thẩm quyền thu hồi dự án.

Ông Lê Trung Chinh cũng yêu cầu xây dựng Kế hoạch hằng năm để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố. Nghiên cứu xây dựng bộ thương hiệu, hình ảnh của địa phương trong công tác xúc tiến đầu tư phù hợp với phát triển và chiến lược thu hút đầu tư.

Theo thống kê, tính đến ngày 15/03/2023, trên địa bàn Đà Nẵng có 980 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4,062 tỷ USD, đến từ 45 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.

Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ, bất động sản – du lịch, thương mại, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, logistics…

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng. Vì vậy, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, thu hút được 7 tỷ USD vốn đầu tư.

TP. Đà Nẵng định hướng tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao, R&D, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện – điện tử… 

Hà Tĩnh công bố hàng loạt dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2030

UBND Hà Tĩnh vừa công bố danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư đến năm 2030, trong đó tập trung vào những dự án hạ tầng quan trọng, mang tính động lực.

Nhằm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, việc tăng cường xúc tiến và thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực mạnh trong và ngoài nước quan tâm và đầu tư các Dự ántrọng điểm, đóng vai trò động lực và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung toàn ngành là chiến lược quan trọng mà tỉnh Hà Tĩnh đang quan tâm và thực hiện trong thời gian qua.

Hà Tĩnh công bố hàng loạt Dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2030. Hình Ảnh minh hoạ
Hà Tĩnh công bố hàng loạt dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2030. Hình Ảnh minh hoạ

Theo đó, Hà Tĩnh tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư có năng lực đến tìm hiểu, khảo sát và nghiên cứu đầu tư một số dự án trọng điểm về phát triển đô thị, du lịch, thể thao như: Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam; Các Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn tại Thiên Cầm, Cẩm Dương, Kỳ Nam, Kỳ Ninh, Văn Trị; Khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam của huyện Thạch Hà; Các Khu đô thị mới trên địa bàn TP Hà Tĩnh…

Tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm như: Tổ hợp nhà máy tinh chế thép (Sản xuất thép tấm, thép cán nguội, tráng/mạ thép, thép ống, thép hình), Nhà máy cơ khí chế tạo máy móc (thiết bị động lực, thiết bị nâng hạ); Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện ô tô, Nhà máy chế tạo và sửa chữa đầu máy, toa xe – công nghiệp đường sắt, Nhà máy đóng các loại tàu cá bằng sắt thép; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III – Nhiệt điện khí LNG và các dự án điện gió, điện mặt trời khác.

 Riêng các dự án hạ tầng công nghiệp dịch vụ, Hà Tĩnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) trong khu kinh tếVũng Áng, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, KCN Gia Lách, KCN Bắc Hồng Lĩnh, KCN Bắc Thạch Hà, KCN phía Tây TP Hà Tĩnh, KCN Hạ Vàng và các cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Về phát triển dịch vụ logistic, tỉnh đã quy hoạch các trung tâm logistics tại cảng Sơn Dương, KKT Vũng Áng, KKT cửa khẩu Cầu treo và huyện Đức Thọ.

Vũng Áng cũng là nơi hội tụ của hai trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm, một trong ba đô thị trung tâm và là một trong ba hành lang kinh tế. Vì vậy, tỉnh cần tập trung nguồn lực hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối giữa hệ thống cảng Vũng Áng, Sơn Dương với các tuyến đường giao thông trọng điểm; đồng thời kêu gọi, ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực để triển khai dự án đầu tàu, dẫn dắt, tạo sức lan tỏa cho kinh tế tỉnh nhà cùng phát triển.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư tới đây, ngoài 30 dự án kêu gọi đầu tư đã được đã phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh nêu trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh bổ sung vào danh mục hơn 80 dự án kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực như: bất động sản, du lịch; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại – dịch vụ; nông nghiệp; một số lĩnh vực khác.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư kể trên sau khi được đầu tư và đi vào hoạt động sẽ tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như: phát triển hạ tầng đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch; phát triển hạ tầng cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp; trở thành đầu tàu phát triển về sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, góp phần xây dựng KKT Vũng Áng trở thành trung tâm công nghiệp luyện thép, cơ khí, đóng tàu, sản xuất ô tô; xây dựng và phát triển ngành dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh có tầm cỡ khu vực và quốc tế, nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần từng bước đưa kinh tế Hà Tĩnh hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Bộ Giao thông Vận tải cấm chủ đầu tư “gửi giá” qua nhà cung cấp vật liệu đưa vào công trình

Đây là một trong năm nội dung mà các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT không được mắc khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký Công điện số 14/CĐ – BGTVT về tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ, công vụ, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực liên quan đến hoạt động quản lý Dự án để đảm bảo chất lượng, tiến độ, kế hoạch giải ngân các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do bộ này quản lý.

Thi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2. (Ảnh: XT - báo Dân sinh).
Thi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2. (Ảnh: XT – báo Dân sinh).

Điểm nhấn đáng chú ý tại Công điện số 14 là 5 nhóm hành vi mà Bộ GTVT nghiêm cấm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trực thuộc không được mắc khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cụ thể:

Một là, thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tác để thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ, gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu cho dự án.

Hai là, lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm theo các quy định pháp luật và quy định của hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu; dàn xếp, thông thầu; quy định các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp theo quy định pháp luật trong hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu; có hành vi cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu; tiết lộ thông tin trong đấu thầu, dẫn đến có đơn, thư khiếu nại không đúng làm việc lựa chọn nhà thầu bị kéo dài, phức tạp.

Ba là, thông đồng, hợp thức hóa hồ sơ thủ tục cho các sai sót trong công tác giám sát, kiểm định, nghiệm thu kết quả khảo sát; thông đồng với tư vấn để đưa một số loại vật liệu vào hồ sơ thiết kế, hoặc “gửi giá, nâng giá” trong hồ sơ dự toán.

Bốn là, thỏa thuận với nhà thầu về việc “chung chi” để bỏ qua các sai sót về thủ tục, chất lượng; “gửi giá” qua các nhà cung cấp vật liệu đưa vào công trình; nhũng nhiễu, gây khó khăn khi ký hồ sơ nghiệm thu, thanh toán.

Năm là, vi phạm quy định pháp luật về chuyển nhượng thầu, quản lý nhà thầu phụ không đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án thuộc bộ phải củng cố, kiện toàn bộ máy, nhân sự tham gia quản lý dự án đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác quản lý dự án; xây dựng quy chế nội bộ về trình tự, thủ tục, vai trò trách nhiệm giữa các đơn vị trình, đơn vị thẩm định, người phê duyệt, đảm bảo tính độc lập trong các bước đầu tư xây dựng; xác định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi đơn vị, tổ chức quản lý, điều hành dự án đảm bảo thống nhất, xuyên suốt, đạt hiệu quả cao.

Các đơn vị này cũng phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhà thầu phụ, nhà cung cấp nhân sự, thiết bị, vật tư cho dự án đảm bảo quy định của hợp đồng, quy định của pháp luật có liên quan; kiên quyết xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền.

Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án chỉ đạo các đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi, tổ chức tăng mũi thi công, tăng ca kíp, tổ chức thi công cuốn chiếu, đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung triển khai ngay các hạng mục đã được bàn giao mặt bằng, các hạng mục có sản lượng lớn (cầu, hầm, đoạn nền đường đào đá khối lượng lớn,…) nhằm giải ngân tối đa nguồn vốn kế hoạch được giao năm 2023, phấn đấu tỷ lệ giải ngân trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án KCN Quảng Trị trước 30/6

Ngày 10/5, tại buổi làm việc của UBND tỉnh Quảng Trị với nhà đầu tư Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị về tình hình triển khai và công tác chuẩn bị lễ khởi công dự án.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh, cho đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị để triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến công tác GPMB, di dời lăng tẩm, mồ mả cần phải được tập trung giải quyết, tháo gỡ, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6/2023.

Hình ảnh minh hoạ Dự án tại Khu công nghiệp tỉnh Quảng Trị
Hình ảnh minh hoạ dự án tại Khu công nghiệp tỉnh Quảng Trị

Tham gia ý kiến, đề xuất tại buổi làm việc, đại diện nhà đầu tư đề nghị tỉnh Quảng Trị sớm hoàn thành việc GPMB cho toàn bộ dự án, muộn nhất trong tháng 6/2023. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sớm di dời tài sản, mồ mả ra khỏi khu vực dự án để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

Phía nhà đầu tư cũng đề nghị tỉnh sớm cụ thể hóa chính sách hỗ trợ chi phí quản lý, vận hành, bảo trì hằng năm và chi phí đầu tư xây dựng (tối đa 3 tỉ đồng) đối với đường ngang có người gác xây dựng mới tại km 644+977 tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh sớm để nhà đầu tư tiến hành gói thầu thiết kế, thi công đấu nối; xem xét ghi nhận Khu công nghiệp Quảng Trị thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; xem xét kế hoạch thành lập Chi cục Hải quan ở huyện Hải Lăng để cung cấp dịch vụ hải quan và hỗ trợ thông quan cho các doanh nghiệp…

Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Quảng Trị (giai đoạn 1) do liên doanh các nhà đầu tư VSIP-Amata-Sumitomo làm chủ đầu tư; diện tích giai đoạn 1 là 96,1 ha. Hiện nay, đã hoàn thành các thủ tục chứng nhận đầu tư, thành lập khu công nghiệp, quy hoạch chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển mục đích sử dụng rừng.

Tổng diện tích đã ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) và người dân đã đồng thuận phương án bồi thường, hỗ trợ là 71,33/96,1 ha. Chủ đầu tư đã lập hồ sơ thuê đất (đợt 1) diện tích 37,9 ha nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường. UBND huyện Hải Lăng cũng đã hoàn thành và ban hành phương án tổng thể sắp xếp, bố trí tái định cư; phương án tổng thể cải táng di dời lăng tẩm, mồ mả.

Phần diện tích còn lại 24,77 ha đang được Hội đồng GPMB huyện Hải Lăng phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu hiện nay liên quan đến loại đất và giá bồi thường cho 5,45 ha/17 hộ dân xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp và diện tích 7,41 ha/51 hộ dân thuộc khu vực Cồn Khoai, thuộc xã Hải Trường.

Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm phối hợp với nhà đầu tư trong việc hoàn thiện các thủ tục cho thuê đất, bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành nghiên cứu, xây dựng, bổ sung phương án quy hoạch Khu công nghiệp Quảng Trị vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Sở Giao thông vận tải được giao hướng dẫn các đơn vị liên quan làm thủ tục để thực hiện công tác quản lý, vận hành đường ngang tại km 644+977 tuyến đường sắt Bắc – Nam. Đề nghị nhà đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương để hoàn thành các công việc còn lại, đặc biệt là kịp thời bố trí kinh phí để chi trả tiền bồi thường GPMB cho người dân sau khi hoàn thiện các thủ tục, góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm khởi công thực hiện dự án.

Dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị có quy mô  khoảng 500ha, được đặt tại 02 xã: Hải Trường và Hải Thọ của huyện Hải Lăng với tổng mức vốn đầu tư 2.074 tỷ đồng, trong đó giai đoạn ban đầu triển khai trên phạm vi gần 100ha với mức vốn đầu tư 504 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2021-2025.

Phê duyệt Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng trong tháng 5/2023

UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ hoàn thành công tác thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng trong ít ngày tới.

Đây là thông tin được UBND tỉnh Lạng Sơn đưa ra trong báo cáo gửi Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, Dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT về tình hình thực hiện Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng theo hình thức BOT.

UBND tỉnh Lạng Sơn trong vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho biết là đã thực hiện xong các thủ tục giao nhà đầu tư đề xuất dự án lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP và các quy định của pháp luật khác có liên quan, đồng thời phân công trách nhiệm đơn vị chủ trì, các đơn vị phối hợp đối với các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và nhà đầu tư đề xuất dự án trong quá trình lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Phối cảnh cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.
Phối cảnh cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng.

Vào giữa tháng 4/2023, nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng theo hình thức BOT và đã trình thẩm định đến cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn.

“Hiện nay, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở đang tổ chức thực hiện các thủ tục thẩm định theo quy định, dự kiến sẽ phê duyệt dự án trong tháng 5/2023”, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đang khẩn trương thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường để đảm bảo tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1833/QĐ-BGTVT ngày 14/6/2016 với quy mô đầu tư 4 làn xe; UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh dự án tại các Quyết định số 1523/QĐ-UBND ngày 9/8/2018 và Quyết định số 2018/QĐUBND ngày 15/10/2018 giữ nguyên quy mô đầu tư 4 làn xe.

Tuy nhiên, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng có quy mô 6 làn xe (thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030).

Do quy mô đầu tư tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng đã có sự thay đổi so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được triển khai trước đây nên cần phải điều chỉnh lại hồ sơ (do các yếu tố hình học của tuyến phải thay đổi cho phù hợp với quy mô giai đoạn hoàn thiện là 6 làn xe).

Bên cạnh đó, do Dự án đã được tách ra thành dự án độc lập, cần phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để triển khai lại dự án như một dự án mới từ bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng… nên mất khá nhiều thời gian.

Đặc biệt, hiện doanh thu thực tế của Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100-Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 – Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức Hợp đồng BOT thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu trong phương án tài chính cũng gây khó khăn trong việc thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tham gia vào Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng.

Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên

Tập đoàn Hòa Phát vừa đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên với tổng mức đầu tư dự kiến 120.000 tỷ đồng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên vừa tổ chức hội nghị liên quan đến đề xuất dự án đầu tưcủa các nhà đầu tư thực hiện tại Cảng Bãi Gốc và Khu Công nghiệp Hòa Tâm (thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, thị xã Đông Hòa).

Tại hội nghị, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm Dự án kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; Dự án cảng Bãi Gốc; Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (tại Khu công nghiệp Hòa Tâm) và Dự án Khu thương mại – Dịch vụ.

Riêng Dự án Khu thương mại – Dịch vụ, Tập đoàn Hòa Phát dự kiến triển khai đồng bộ với Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát và các dự án thứ cấp khác.

Theo Tập đoàn Hòa Phát, tổng mức đầu tư đối với 4 dự án trên khoảng 120.000 tỉ đồng, tiến độ thực hiện dự án khoảng 36 tháng sau khi được cấp chủ trương đầu tư và bàn giao đất.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, đối với nguồn vốn, tập đoàn sẽ đầu tư các dự án tại Phú Yên bằng 50% vốn tự có, 50% còn lại là vốn vay từ các tổ chức tài chính khác; đồng thời mong muốn tỉnh Phú Yên cập nhật đề xuất các Dự án của Tập đoàn Hòa Phát vào quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên, quy hoạch tỉnh Phú Yên để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án.

Cũng tại hội nghị, qua hình thức trực tuyến, Tập đoàn PETMAL Oil Holdings (Malaysia) tiếp tục đề xuất với tỉnh Phú Yên xây dựng một tổ hợp lọc hóa dầu hiện đại với công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm (gồm các sản phẩm chủ yếu polypropylen, benzen, xăng RON 92, xăng RON 95…), diện tích sử dụng đất là 500 ha và diện tích mặt nước khoảng 500 ha.

Theo Tập đoàn PETMAL Oil Holdings, tổng mức đầu tư thực hiện dự án này dự kiến khoảng 5 tỷ USD (tăng 3 tỷ USD so với buổi làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Phú Yên của tập đoàn vào ngày 18/4/2023).

Trước đề xuất đầu tư của 2 tập đoàn Hòa Phát và PETMAL Oil Holdings, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, các dự án được đề xuất có quy mô rất lớn nên quá trình thực hiện cũng sẽ rất khó khăn từ khi có giấy phép đầu tư cho đến khi dự án hình thành. Do vậy, cần có sự phối hợp, quyết tâm rất cao và quan điểm rõ ràng, thống nhất với nhà đầu tư để thực hiện.

Đối với nhà đầu tư, UBND tỉnh Phú Yên cần có cam kết rất rõ ràng với tỉnh về mặt tài chính, thời gian thực hiện; tránh tình trạng lãng phí nguồn lực, thời gian.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh, việc thu hút các dự án đầu tư lớn của doanh nghiệp là định hướng rất quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Yên, có vai trò chiến lược để thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đề nghị UBND tỉnh hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đúng các quy định pháp luật về đầu tư; quá trình thực hiện thời gian cần nhanh chóng và làm rõ được vai trò của doanh nghiệp khi đầu tư dự án.

Các dự án về gang thép, lọc dầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu nhà đầu tư nhất thiết phải thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường.

Hải Phòng dành trên 630 tỷ đồng cải tạo, chỉnh trang đô thị

Quỳnh Nga – 11/05/2023 12:12

HĐND Thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết tiếp tục quyết định đầu tư chỉnh trang một số tuyến đường nội đô và khu vực bến xe Lạc Long cũ. 

TIN LIÊN QUAN

  • Hải Phòng trao chứng nhận đầu tư cho 4 Dự án với tổng vốn gần 15.000 tỷ đồng

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND Thành phố khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND quyết định chủ trương đầu tư Dự án cải tạo hè, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Lợi và một số tuyến đường nội đô thành phố.

Dự án nhằm mở rộng mặt đường, cải tạo vỉa hè, kết hợp chỉnh trang một số tuyến đường, nâng cao khả năng khai thác, chất lượng sử dụng, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, góp phần thay đổi diện mạo, chỉnh trang đô thị Thành phố thúc đấy kinh tế xã hội, du lịch, từ đó hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch phát triển chung của Thành phố.

Cải tạo, mở rộng tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đoạn từ đường Văn Cao đến Trạm bơm Kiều Sơn, chiều dài khoảng 0,83 km. Mở rộng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm phía phải tuyến, đảm bảo lộ giới một bên đường là 27 m/54 m theo quy hoạch, trong đó chiều rộng hè đường B­­hp = 6 m.

Kết cấu hè đường bằng gạch bê tông giả đá, thay thế toàn bộ bó vỉa, đan rãnh cũ bằng đan rãnh mới kết hợp bó vỉa bê tông xi măng giả đá. Cải tạo hệ thống thoát nước mặt, nước thải trên tuyến, di chuyến và thay thế các cây xanh. Đầu tư xây dựng dải vườn hoa, cây xanh trong phạm vi giữa vỉa hè được xây mới đến hè đường Bạch Thái Bưởi gồm hệ thống cấp, tưới nước cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng đồng bộ và phù hợp với công năng sử dụng.

Về cải tạo, mở rộng tuyến đường Lê Lợi, điểm đầu giao với đường Cầu Đất, điểm cuối tại Ngã 6 Máy Tơ, chiều dài khoảng 1,36km. Quy mô cải tạo, mở rộng mặt đường sang mỗi bên trung bình 2m để đảm bảo bề rộng mặt đường tối thiếu 12m, chiều rộng tối thiểu của hè đường mỗi bên là 3m.

Riêng đối với các đoạn từ ngõ Đội Cấn đến nút giao Phạm Minh Đức (chiều dài khoảng 174m) và từ ngõ 182 đến ngõ 212 (chiều dài khoảng 124m), mở rộng trung bình mặt đường bên trái tuyến 5m, mặt đường bên phải tuyến 2m. Cải tạo hè hiện trạng hai bên tuyến bằng gạch bê tông giả đá, thay thế toàn bộ bó vỉa, đan rãnh cũ bằng đan rãnh mới kết họp bó vỉa bê tông xi măng giả đá. Hạ ngầm hệ thống điện, điện chiếu sáng trên tuyến, lắp đặt các thiết bị điện. Cải tạo hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, nâng ga hiện trạng trên hè, thay thế nắp ga hư hỏng. Di chuyển và thay thế một số cây xanh trên tuyến.

Cùng với đó là chỉnh trang 16 tuyến đường nội đô Thành phố với tổng chiều dài 11,18 km. Tổng mức đầu tư dự án trên 434 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Thành phố, thời gian thực hiện năm 2023-2026. Địa điểm thực hiện dự án trên địa bàn các quận: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An.

Nghị quyết số 02/NQ-HĐND quyết định chủ trương đầu tư Dự án chỉnh trang đô thị tại khu vực bến xe Lạc Long cũ. Với mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch; bảo đảm kết nối, đồng bộ về mặt cảnh quan, kiến trúc với các dự án chỉnh trang đô thị do thành phố đã và đang đầu tư xây dựng trong khu vực lân cận; định hướng phát triển các công trình công cộng ở giai đoạn tiếp theo.

Quy mô đầu tư chỉnh trang khu đô thị, giải phóng mặt bằng khu đất có tổng diện tích 14.543 m2. Các hạng mục công trình gồm nâng cấp, cải tạo vỉa hè, bó vỉa 01 bên các đoạn tuyến: đường Nguyễn Tri Phương (về phía Bắc) đoạn từ đường Tam Bạc đến đường Cù Chính Lan, với diện tích khoảng 260 m2; đường Cù Chính Lan đoạn từ đường Nguyễn Tri Phương đến ngõ số 14 đường Cù Chính Lan (về phía sông Tam Bạc), với diện tích khoảng 557 m2. Với diện tích khoảng 2.124 m2 xây dựng vườn hoa khu vực giới hạn bởi các tuyến đường: Tam Bạc, Nguyễn Tri Phương, Cù Chính Lan và ranh giới sử dụng đất của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.

Địa điểm thực hiện dự án trên địa bàn phường Minh Khai, quận Hồng Bàng. Với tổng mức đầu tư trên 196 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện dự án năm 2023 – 2024.

HĐND Thành phố giao UBND Thành phố tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và pháp luật liên quan. Giao UBND Thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án phải bảo đảm đồng bộ, không trùng lặp các dự án khác gây lãng phí. Hạn chế ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân trong khu vực, quản lý tài sản sau đầu tư đúng quy định pháp luật.

Quảng Ngãi kiến nghị hàng loạt phương án gỡ khó cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất 

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã vừa đề nghị Bộ Công thương một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Theo đó, thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, giá biến động với biên độ lớn, thị trường trong nước có tình trạng thiếu hụt nguồn cung, một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa và tạm ngừng bán, ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt người dân.

Nhằm đảm bảo và tăng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, BSR đã bổ Vướng mắc hiện nay là theo lộ trình giảm thuế tại các Hiệp định thương mại tự do, sang năm 2024, thuế nhập khẩu với các sản phẩm xăng dầu đã được điều chỉnh về mức thấp nhất là 0%, nguồn dầu thô nhập khẩu cũng có mức thuế suất là 0% nhưng các nguyên liệu nói trên lại vẫn có mức thuế suất thuế nhập khẩu lớn hơn 0%. Vì vậy đã hạn chế cơ hội để đưa các nguyên liệu này vào phối trộn tại Nhà máy.

Để góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ Công thương kiến nghị với cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu với các nguyên liệu phối trộn cho NMLD Dung Quất, nhắm làm tăng khả năng sản xuất xăng dầu của Nhà máy.

Cũng trước thực trạng Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã đi vào sản xuất từ giữa năm 2018, giúp nguồn cung xăng dầu trong nước tăng lên, khiến có thời điểm cán cân cung cầu xăng dầu tại thị trường trong nước có tình trạng cung vượt cầu, khiến BSR không thể tiêu thụ sản phẩm xăng dầu ở thị trường nội địa.

Để đảm bảo NMLD Dung Quất được vận hành an toàn và liên tục, ngoài phương án tiêu thụ tối đa tại thị trường nội địa, BSR cũng phải có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Cụ thể, hàng năm BSR xuất khẩu khoảng 140.000-150.000 tấn dầu FO.

Tuy nhiên, sản phẩm lọc dầu của BSR khi xuất khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), nên phần thuế VAT này không được khấu trừ vào lại phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh. Điều này đã làm giảm lợi thế cạnh tranh cũng như bất lợi cho BSR trong quá trình kinh doanh.

Vì thế, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ tài chính xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế VAT khi xuất khẩu, bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp từ BSR hay thông qua các đầu mối.

Ở một khía cạnh khác, BSR hiện không phải là thương nhân có giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nên không thực hiện được việc tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu dầu thô theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Vì thế, BSR không thể bán lại các lô dầu thô đã mua từ nước ngoài chưa nhập khẩu vào Việt Nam.

Để giải quyết khó khăn nay, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP theo hướng, cho phép BSR bán lại các lô dầu thô mua từ nước ngoài trong trường hợp cấp bách khi bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, khi nhà máy có sự cố hỏng hóc, dừng vận hành hay không còn nhu cầu sử dụng.

Hiện cũng có tình huống BSR phải xuất khẩu dầu thô do Nhà máy dừng sản xuất thì mức thuế xuất khẩu dầu thô Bạch Hổ mà NMLD Dung Quất đã mua trước đó sẽ có thể được tính thêm một lần nữa cho BSR, dẫn tới khá năng BSR xuất khẩu không hiệu quả hoặc không thể xuất khẩu được.

Bởi vậy, đề giảm thiệt hại khi NMLD Dung Quất phải dừng khẩn cấp hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh Quảng Ngãi cũng mong Bộ Công thương kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét cho hoàn thuế hoặc khấu trừ thuế, đặc biệt với dầu thô Bạch Hổ khi BSR phải xuất khẩu, nhằm linh hoạt hơn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Tiến độ 2 dự án giao thông trọng điểm vốn hơn 15,6 ngàn tỷ đồng tại An Giang

Tỉnh An Giang đang triển khai thực hiện dự án quan trọng quốc gia và dự án trọng điểm liên vùng gồm: Dự án thành phần 1 thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1) và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp. 

Thông tin từ UBND tỉnh An Giang, đối với Dự án thành phần 1 thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1- gọi tắt Dự án thành phần 1) đang triển khai thực hiện các gói thầu tư vấn khảo sát thiết kế kỹ thuật – dự toán và tổ chức giải phóng mặt bằng. Dự kiến trong tháng 6/2023 sẽ tổ chức khởi công xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án thành phần 1 từ tuyến tránh Quốc lộ 91 (xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) đến huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ (Km0+314 đến khoảng Km57+328,32), dài 57,014 Km thuộc địa bàn tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ, có tổng mức đầu tư 13.526.192 triệu đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang được UBND tỉnh An Giang giao nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 – 2027.

Vừa qua, đơn vị này đã mời quan tâm các gói thầu xây lắp Dự án thành phần 1. Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án thành phần 1 được UBND tỉnh An Giang phê duyệt tại Quyết định số 274/QĐ-UBND ngày 9/3/2023, có 4 gói thầu xây lắp gồm:

Gói thầu số 42: Thi công xây lắp công trình đoạn từ Km 0+314 đến Km 17+240 (gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công); giá gói thầu theo kế hoạch 2.667 tỷ đồng; Thời gian thực hiện hợp đồng 1.260 ngày; chiều dài tuyến 16,926 km, gồm công trình đường bộ cấp I và 7 cầu (cầu đường bộ cấp III).

Gói thầu số 43: Thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị công trình đoạn từ Km 17+240 đến Km 31+280 (gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công); giá gói thầu theo kế hoạch 3.080 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 1.260 ngày; chiều dài tuyến 14,04 km, gồm công trình đường bộ cấp I và 8 cầu (cầu đường bộ cấp III, gồm 7 cầu trên tuyến cao tốc và 1 cầu trên đường ngang).

Gói thầu số 44: Thi công xây lắp công trình đoạn từ Km 31+280 đến Km 43+500 (gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công). Giá gói thầu theo kế hoạch 2.276 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 1.260 ngày; chiều dài tuyến 12,22 km, gồm công trình đường bộ cấp I và 9 cầu (cầu đường bộ cấp III).

Gói thầu số 45: Thi công xây lắp công trình đoạn từ Km 43+500 đến cuối Dự án thành phần 1 (gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công). Giá gói thầu theo kế hoạch 2.313 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 1.260 ngày; chiều dài tuyến 13,828 km, gồm công trình đường bộ cấp I và 9 cầu (cầu đường bộ cấp III)

Còn Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp có tổng mức đầu tư 2.131.006 triệu đồng. Dự án được chia thành 3 giai đoạn thực hiện thi công xây lắp. Theo UBND tỉnh An Giang, đã thực hiện hoàn thành giai đoạn 1. Tiến độ thực hiện Dự án đạt 79%.

Dự án có điểm đầu tại nút giao với Đường tỉnh 954 thuộc phường Long Sơn, thị xã Tân Châu, điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 91 thuộc phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc; tuyến kết nối vào đường tỉnh 953 và đường tỉnh 951 dài hơn 3 km. 

Đây là công trình giao thông cấp I với tổng chiều dài tuyến 20,960 km; trong đó tuyến chính dài hơn 17 km với điểm đầu tại nút giao với đường tỉnh 954 thuộc phường Long Sơn (thị xã Tân Châu) và điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 91 thuộc phường Vĩnh Mỹ (TP Châu Đốc).

Đồng thời, công trình còn có 3 cầu bêtông cốt thép vĩnh cửu, gồm cầu Châu Đốc dài 667 m, có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 500 tỷ đồng; cầu Mương Tri và cầu Thần Nông mỗi cầu dài hơn 33 m.

Vào ngày 28/3/2022, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Châu Đốc thuộc Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng (N1) đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án: Đến hết năm 2024.

Khi cầu Châu Đốc nói riêng và Dự án xây dựng kết nối vùng nói chung hoàn thành sẽ góp phần thông tuyến quốc lộ N1, kết nối theo trục ngang các tỉnh Tây Nam Bộ nằm trên trục biên giới Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, hoàn thiện hệ thống giao thông, phục vụ việc bảo vệ quốc phòng an ninh của khu vực.

Đồng thời, Dự án mở rộng không gian đô thị của thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc, tạo điều kiện cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới.

Ngày 15/5, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo đầu tư nước ngoài

Sáng 15/5, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp sẽ có mặt tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức, cùng trao đổi về hành trình hơn 3 thập kỷ thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như những giải pháp nhằm hút dòng vốn đầu mới.

Hội thảo có sự tham gia của các đại diên bộ ban ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như EuroCham, AmCham, KoCham, JETRO, InCham, ICham, cùng cộng đồng doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã trao đổi, đánh giá một cách toàn diện về những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong suốt chặng đường 35 năm qua, những cơ hội đón nhận dòng vốn mới, cũng như vai trò và đóng góp của doanh nghiệp với chiến lược phát triển của Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn 2045 là quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Những giải pháp nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng Dự án đầu tư nước ngoài, cũng như tăng sức cạnh tranh thu hút FDI trong các lĩnh vực của nền kinh tế cũng được các chuyên gia đề xuất và khuyến nghị.

Kể từ khi Việt Nam mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài – đánh dấu bằng việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 – đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài luôn được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: “Các nhà đầu tư nước ngoài đã mang đến cho chúng ta vốn, kinh nghiệm, công nghệ… Chính họ đã góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như dầu khí, điện tử, viễn thông…”.

“Khu vực đầu tư nước ngoài cũng thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nâng cao trình độ tiếp nhận công nghệ của nền kinh tế, đồng thời tạo sức ép để nhiều doanh nghiệp trong nước phải chủ động đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước, cũng như nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên thế giới và khu vực, giúp Việt Nam vươn ra biển lớn thành công”.

Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, sau hơn 35 năm, tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn, với công nghệ hiện đại đã và đang đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Trong hành trình đó, những cái tên không thể không nhắc tên. Trong lĩnh vực sản xuất, đó là Samsung, Nestlé, SABECO, Piaggio, Panasonic. Trong lĩnh vực ngân hàng, đó là HSBC, UOB. Hay Dragon Capital, Frasers Property Vietnam, Gamuda Land trong lĩnh vực bất động sản. AEON trong lĩnh vực bán lẻ. Trong lĩnh vực dịch vụ, tư vấn có DKSH, KPMG. Là British University Vietnam trong lĩnh vực giáo dục. GIZ trong lĩnh vực năng lượng. Và South HoiAn Development Ltd. – Hoiana Resort & Golf trong lĩnh vực du lịch…

Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.”

Trong xu hướng này, các nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh và chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo, và phát triển bền vững… 

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: “Đầu tư của châu Âu vào Việt Nam vẫn đang tăng và không có dấu hiệu chững lại. Hai bên đang tìm cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính như số hóa, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.”

Theo các chuyên gia, để có thể đón làn sóng đầu tư mới, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn các điều kiện, như chuẩn bị mặt bằng sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng, nguồn cung lao động có tay nghề, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị… Và cũng phải chuẩn bị sẵn các gói chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm 2024, nhằm tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.

Chương trình Hội thảo: 

Các keynotes: 

*Keynote 1: Samsung Việt Nam

*Keynote 2: AEON Việt Nam

*Keynote 3: UOB Việt Nam

*Keynote 4: VPBank 

Các diễn giả Phiên thảo luận 1: 

1, Ông Joonsuk Park, Giám đốc Khối kinh doanh quốc tế, Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp HSBC Việt Nam 

2, Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối Bất động sản Nhà ở Frasers Property Vietnam

3, Ông Kim Lê Huy, Phó chủ tịch, Ngành Hàng tiêu dùng DKSH Việt Nam

4, Ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An – Hoiana Resort & Golf

5, Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Nestle Việt Nam

6, Ông Lê Nguyễn Đoan Duy, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu (AIG)

Các diễn giả Phiên thảo luận 2: 

1, Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

2, Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

3, GS.TS. Nguyễn Mại, Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) & Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE)

4, Ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP)

5, Bà Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng Bộ phận Tư vấn Phát triển bền vững và Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và y tế của KPMG Việt Nam và Campuchia

6, Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch, CME Solar Investment

7, Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam

8, Giáo sư Raymond Gordon, Hiệu trưởng Trường Đại học Anh Quốc BUV

Dự án điện LNG Nhơn Trạch 3&4: Sang năm thứ 6 vẫn chưa tới nhà máy chính

Chưa có cơ chế cụ thể khuyến khích đầu tư nhằm ổn định hệ thống, giảm phát thải, cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm thấp khiến Dự án điện khí như LNG Nhơn Trạch 3&4 vẫn chưa tới bước xây nhà máy chính.

Trước thực tế không thể dịch chuyển hoàn toàn và ngay lập tức từ điện than sang điện sạch với các dạng năng lượng gió, mặt trời, hydrogen, các Dự án điện khí LNG đang được xem là bước chuyển phù hợp, góp phần giảm mạnh phát thải so với điện than, đảm bảo chạy nền, ổn định hệ thống, nhưng việc thúc đẩy các dự án trên thực tế lại không dễ dàng.

Đơn cử như Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&